09/06/2022 14:50 GMT+7

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào

ĐỨC NOISE
ĐỨC NOISE

TTO - Bánh mì chấm gốc Quy Nhơn vì vậy mà màu sắc và mùi vị rất khác biệt. Cả đến cách ăn bánh mì chấm cũng... không giống ai, phải ngồi ghế cóc, khom lưng thưởng thức, rồi thỉnh thoảng lại ngước nhìn dòng người hay dòng đời vùn vụt trôi.

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào - Ảnh 1.

Một góc nhỏ (284 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3) nay nô nức vì món bánh mì chấm cay sè - Ảnh: NVCC

Xuất hiện một góc nhỏ giữa lòng con đường hào hoa nhất Sài Gòn, là tiệm bánh mì chấm "hiếm có khó tìm". Không chỉ được dựng nên từ người con miền Trung, mà còn là một chàng trai ưa món ăn "quốc dân" mỗi ngày.

Bánh mì truyền thống kẹp thịt chả thì ở đâu cũng có, nhưng bánh mì chấm lại không ồ ạt tràn lan bởi nó làm thay đổi quan niệm ăn bánh mì cho qua bữa, chống đói.

Bánh mì trong mắt thế hệ cũ là gói giấy báo, cầm trên tay, ngồi ăn ở hành lang cầu thang bộ cho nhanh, rồi cho kịp giờ đi họp! Đại loại là, cứ hễ nói tới bánh mì, người ta thường nghĩ ngay tới sự... tạm bợ!

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào - Ảnh 2.

Mẹt tre với một phần bánh mì chấm đầy đủ. Khách có thể yêu cầu phần chấm theo sở thích - Ảnh: NVCC

Thế mà có một tiệm bánh mì... kê ghế cho khách ngồi, rồi một khẩu phần ăn được bày biện gọn gàng trong cái mẹt tre nhỏ xinh. Đấy là cách bánh mì chấm tồn tại ở đất Sài Gòn, sự độc nhất đó ban đầu khiến nhiều vị khách tò mò tìm đến vì tưởng... bánh mì chấm kiểu Đà Lạt (chấm xíu mại - PV).

Rồi tới một lúc, "hữu xạ tự nhiên hương", cái vị cay nồng thơm lừng của nước sốt, hay vị nước chấm của thịt thà, trứng gà... đậm đà khó quên, lại vô tình níu chân khách quay trở lại.

Tất nhiên trong số ấy vẫn có các vị khách vốn đã nếm bánh mì chấm chánh gốc miền Trung, thèm quá mà ngại đi xa thì ghé bánh mì chấm Sài Gòn vậy.

Hỏi cậu chủ trẻ tuổi Phan Thanh Hưng, có liều lĩnh không khi mang bánh mì chấm đến Sài Gòn trong khi buổi sáng, dân văn phòng tất bật đủ thứ chuyện, chuyện ăn chỉ cần giải quyết nhanh bằng một ổ bánh mì là xong?

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào - Ảnh 3.

Bánh mì chấm vẫn có thể bán mang về, hâm nóng - Ảnh: NVCC

Hưng bảo cũng là lương duyên, là kỷ niệm thời cắp sách đến trường: "Hồi nhỏ mình đâu có tiền ăn bánh mì thịt đâu, chỉ ăn bánh mì không. Cô bán bánh mì gần nhà thấy tội nên lâu lâu cho mình chén nước thịt, patê... để ăn cho có vị. Rồi dần chén nước chấm ngày bé giờ cũng thay đổi. Giờ thì chén nước chấm ấy đã có thịt nướng, trứng rim, nước sốt theo công thức miền Trung...".

Cái khó lại có cái hay, chính vì cung cách chấm chấm nhâm nhi ấy mà từ một món "ăn cho xong bữa sáng" thì giờ đã có thể là món ăn xế chiều, thậm chí là ăn tối, cứ nhìn vào dòng khách đổ về tiệm mỗi chiều tối thì thấy rõ.

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào - Ảnh 4.

Rau ngò, đồ chua... ăn kèm - Ảnh: NVCC

Thời gian đầu mở tiệm, Hưng còn cân nhắc "thử vị" người Sài Gòn bằng vị thanh vừa phải xem có chiều lòng số đông được không. Rồi theo thời gian, Hưng quyết định đổi vị nước chấm cho đặc trưng vùng miền hơn, nhưng vẫn không khó cảm vị khách nhập cư Sài Gòn.

"Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới, và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào" - Hưng bày tỏ.

Ai là người yêu cái vị Sài Gòn, tức là yêu cái âm thanh đôi khi ồn ã quá, nhưng lại thấy nhớ khi xa, thì chắc sẽ thích thú khi ngồi ăn bánh mì chấm, ngay trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng náo nhiệt.

Nếm nước chấm thơm lừng, cắn miếng bánh mì giòn rụm, thêm chút patê, chút thịt, chút đồ chua sừn sựt... ưng cái bụng, rồi ngồi ngắm phố phường, đèn đường, người quen người lạ... thì không gì bằng. Lúc đấy, Sài Gòn thật sự bình dị và "ngon lành" gì đâu.

Ẩm thực ở đâu, kiểu gì cũng cần có "bí quyết". Không nước sốt thì cũng từ những thứ tưởng nhỏ bé nhưng lại gây thương nhớ. Bánh mì chấm hẳn phải là vị nước chấm pha chế sao cho ai nếm qua cũng phải nhớ.

Để người xứ Nẫu có chỗ lui tới và khách thập phương cảm nhận mùi vị miền Trung thế nào - Ảnh 5.

Phá lấu, gan, trứng rim, thịt kho, hành phi... hòa quyện vào chén nước chấm - Ảnh: NVCC

Hưng bảo người miền Trung "ăn gì cũng cuốn, ăn gì cũng chấm. Cuốn ở đây là cuốn bánh xèo, bánh cuốn. Chấm ở đây là ớt tương xào từ ớt phơi khô, ngâm muối rồi xào nấu theo kiểu nhà làm, nên mỗi lần bắt được vị cay ngọt ngọt này là hầu như món ăn chấm nào cũng trở nên rất Quy Nhơn".

Thế là không chỉ vị đậm đà, nước chấm còn có cả ớt tương - thứ làm cho món bánh mì chấm chạm tới tình yêu ẩm thực nói chung, và bánh mì nói riêng.

Mở cửa từ 7h sáng đến trưa, rồi từ 3h chiều tới chập choạng tối, tiệm bánh mì chấm có cái tên là lạ Hungtubes cứ thong thả đón khách.

Nó không còn là món ăn "ao ước" hồi bé của Hưng, mà giờ nó đã là một phần của Sài Gòn, của tất cả mọi người "đạo" bánh mì, nhưng mà mê chấm chấm chầm chậm!

Nước sâm ở đâu Nước sâm ở đâu 'có duyên' nhất đất Sài Gòn?

TTO - Những ngày chợt mưa chợt nắng, bỗng thèm một ly sâm ướp đá. Ở Sài Gòn, ai đã từng thưởng thức nước sâm Hữu Duyên trong lòng Chợ Lớn, hẳn sẽ khó mà quên hương vị đặc biệt này.

ĐỨC NOISE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp