Công an TP.HCM làm tờ khai điện tử giúp người dân tại trụ sở Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM (196 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3) - Ảnh: GIA MINH |
“Cảm xúc đó không phải vì được người nước ngoài nhớ mặt gọi tên mà lớn hơn, những du khách ấy khi trở về nước họ vẫn sẽ nhớ về một TP.HCM thân thiện, hết lòng”.
Đó là những xúc cảm của đại úy Đỗ Văn Cảnh - phó đội trưởng đội quản lý cư trú người nước ngoài và kiểm tra xuất nhập cảnh (đội 4), Phòng quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM (PA72) - chia sẻ sau hàng loạt câu chuyện kể về việc hỗ trợ người nước ngoài gặp bất trắc của đội.
Giúp người nước ngoài hồi hương
Sáng thứ bảy, mặc dù là ngày nghỉ nhưng từ 8g đại úy Cảnh cùng thượng úy Phan Trung Dũng - cán bộ đội 4 - vẫn túc trực bên chiếc điện thoại bàn để chờ thông tin từ đồng đội.
Anh quay sang nói với chúng tôi có một người Ấn Độ bị tâm thần đi lạc, đang gây rối ở P.8, Q.Phú Nhuận nên công an khu vực nhờ đội hỗ trợ.
Đây không phải là lần đầu tiên đội 4 nhận được những yêu cầu hỗ trợ như thế, bởi ngoài chuyên môn nghiệp vụ như các đội cảnh sát điều tra thì đội 4 còn có thế mạnh về ngoại ngữ.
“Thành ra tất tần tật vấn đề liên quan đến người nước ngoài, các đơn vị thường liên hệ để cùng phối hợp: từ triệt phá, ngăn chặn hành vi lừa đảo của một số người nước ngoài cho đến việc bắt gặp người nước ngoài... tè bậy” - anh Cảnh phá lên cười, chia sẻ.
Lần gần nhất đội 4 giúp hai người mang quốc tịch Thái Lan lang thang, không giấy tờ tùy thân trở về nước là vào tháng 2-2016. Đại úy Cảnh cho biết đây là hai trường hợp khiến cả đội khá đau đầu vì bản thân họ không biết mình là ai, đến từ đâu và vì sao đi lạc qua Việt Nam.
Qua tra cứu xuất nhập cảnh được biết các đương sự này vào Việt Nam bằng đường bộ rồi quá giang xe tải đến TP.HCM với mục đích ban đầu là kiếm việc làm nhưng do không tìm được việc nên cứ sống lang thang.
Không người thân tại Việt Nam, không nói được tiếng Anh, họ không thể kêu gọi sự giúp đỡ nào từ phía người dân cho đến cơ quan chức năng.
Rồi trong một đợt thu gom người Campuchia ăn xin để đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP của công an và UBND P.1, Q.5, hai người Thái này cũng được đưa về nhưng vì không biết tiếng Campuchia nên trung tâm không tiếp nhận.
Nhưng cũng nhờ “tình cờ” được đưa về phường mà hai người Thái Lan này được phường kết nối với đội 4.
Nhận được tin báo, ngay lập tức các cán bộ của đội liền đến tiếp nhận và liên hệ với Sở Ngoại vụ hỗ trợ phiên dịch và thông báo với cơ quan đại diện ngoại giao Thái Lan để xác định nhân thân, cấp lại giấy tờ cần thiết để đưa đương sự về nước.
Câu chuyện đang hào hứng thì đại úy Cảnh nhẹ giọng, trầm tư: “Nhưng không phải người nước ngoài đi lạc, sống lang thang nào đội cũng tìm được”.
Đó là trường hợp của Edwin - một người Philippines - đi lạc ở TP.HCM đến nay đã 4 năm vẫn chưa có manh mối dù đội đã triển khai nhiều phương án, khiến đại úy Cảnh day dứt hơn cả.
Tuy chưa tìm thấy người thân nhưng hiểu được những nỗ lực của cả đội nên cứ vào ngày 20-4 hằng năm - ngày em trai đi lạc, gia đình bà Catherine de la Cruz đều bay qua Việt Nam, tìm đến đội 4 để thăm hỏi và gửi lời tri ân.
Kịp thời ngăn chặn tội phạm
Đại tá Nguyễn Văn Anh - trưởng PA72 - cho biết: “Đội 4 là lực lượng mới thành lập vào cuối năm 2011.
Tuy “tuổi đời” còn rất nhỏ nhưng qua thực tiễn cho thấy đội đã trưởng thành nhanh, ngày càng chính quy chuyên nghiệp.
Đặc biệt, việc thành lập đội 4 đã đáp ứng được nhu cầu, tình hình trên địa bàn trọng điểm như TP.HCM.
Khi mà tội phạm có yếu tố nước ngoài, các vi phạm của người nước ngoài ngày càng tăng, việc có một bộ phận chuyên trách xử lý sẽ giúp giải quyết các vụ việc nhanh hơn, tốt hơn”.
Minh chứng cho nhận xét của đại tá Anh là những thành quả đáng khích lệ của đội 4. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đội đã khám phá 7 vụ cá cược thể thao, trò chơi qua mạng của một số đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Hàn Quốc).
Các đối tượng này qua Việt Nam thuê các khu chung cư cao cấp, các khu biệt thự ít người qua lại để lập “trạm điều hành” (server) để tổ chức đánh bạc.
“Họ thuê các biệt thự rồi ở trong đó có khi cả tháng trời nên rất khó tiếp cận” - đại úy Đỗ Văn Cảnh cho biết. Tuy vậy, đội 4 vẫn kiên trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy xét, bắt giữ đối tượng và giao cơ quan điều tra làm rõ.
Đội cũng đã phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh không đúng quy định, chủ động phát hiện nhiều hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài như thành lập công ty “ma”, người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo, cư trú, xuất nhập cảnh trái phép.
Nắm tình hình về cộng đồng người nước ngoài có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự để cung cấp thông tin cho các đơn vị nghiệp vụ, tham mưu cho Công an TP xử lý vi phạm nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa các tụ điểm phức tạp.
“Nguyên nhân dẫn đến vi phạm của người nước ngoài tăng cao do khe hở của pháp luật dễ bị các đối tượng lợi dụng thành lập doanh nghiệp “ma” để bảo lãnh cho người nước ngoài rồi giải thể hoặc lợi dụng chức năng du lịch, dịch vụ trên giấy phép đăng ký kinh doanh để bảo lãnh tràn lan rồi không thực hiện trách nhiệm bảo lãnh, thậm chí chây lì, không hợp tác với cơ quan công an khi phát hiện xử lý” - đại úy Đỗ Văn Cảnh cho biết.
Người dân đồng tình Trong 6 tháng đầu năm 2016, PA18 Công an TP.HCM đã cấp đổi 100.538 hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam, cấp đổi thị thực, gia hạn lưu trú cho 26.772 trường hợp và cung cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tỉ lệ trả hồ sơ đúng hẹn luôn đạt trên 99% đối với hồ sơ cấp, đổi hộ chiếu và 100% đối với hồ sơ gia hạn thị thực, thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, duy trì hiệu quả thực hiện trả hộ chiếu cho người dân qua đường bưu điện, kết quả đã phối hợp với bưu điện trả 48.899 hộ chiếu đến tận tay người dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, không xảy ra mất, thất lạc hộ chiếu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận