Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Đó là kết quả khảo sát thực tế do Tổng liên đoàn Lao động VN thực hiện năm 2015. Khảo sát cho thấy mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con) là 4,247 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí dành cho thuê nhà, tiền điện, tiền nước, gửi con cho nhà trẻ, lương thực thực phẩm.
Tuy nhiên, tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) chỉ là 3,817 triệu đồng/tháng.
Tăng giờ làm thì mọi thứ chỉ vừa sát nút
Chị Mỹ An, công nhân một công ty may mặc, chia sẻ chị phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu những thứ cơ bản nhất, đừng nói chi đến tiền tiết kiệm.
Gần như chị Mỹ An phải tăng ca mỗi ngày mới có thêm 2-3 triệu đồng/tháng để chi trả thêm các khoản sinh hoạt cơ bản nhất.
“Mọi thứ chỉ vừa sát nút, bữa cơm nói thật là chưa bao giờ đủ chất dinh dưỡng. Sắp tới tôi còn có con nhỏ, sẽ không thể tăng ca nữa, hai vợ chồng phải tính thật kỹ nếu không chắc chắn thiếu trước hụt sau”, chị An cho biết.
Cũng tăng ca mỗi ngày như chị Mỹ An, anh Huỳnh Lợi (Khu chế xuất Linh Trung) cho biết nếu không tăng ca thì không thể nuôi nổi bản thân, nói gì đến chuyện cưới vợ, sinh con.
“Ở thành phố mấy năm trời chứ tui có biết đường sá hay chỗ vui chơi gì đâu, ngày nào cũng đi làm, hết giờ làm là về ngủ lấy sức rồi”, anh Lợi nói.
Một chuyên gia về tiền lương nhận định với mức lương tối thiểu hiện nay, nhiều người phải chọn cách tăng ca để cải thiện thu nhập.
“Theo quy định thì không được tăng ca quá 30 tiếng nhưng thực tế có người lại tăng đến 60 tiếng/tháng. 60 tiếng tương đương với khoảng hơn một tuần làm việc thông thường (8 tiếng/ngày). Nghĩa là nếu tính thời gian thực, người lao động phải làm việc khoảng 5 tuần/tháng để kiếm đủ tiền trang trải”, chuyên gia này nhận định.
Chị Lê Thị Thương - công nhân Công ty TNHH gốm sứ Kim Trúc, KCN Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) - cho biết hiện tại với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, chị phải trang trải đủ mọi thứ, từ tiền thuê trọ đến nuôi con ăn học, nên đến cuối tháng là không còn một đồng - Ảnh: Tiến Long |
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thắng, phó chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết thực tế mức lương tối thiểu vùng quá thấp, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60-65% mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo ông Đình Thắng, các khoản chi cơ bản của người lao động là ăn, mặc, thuê nhà trọ, gửi trẻ, chi phí cho con…
Vế vấn đề gửi trẻ, ông Thắng cho biết trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện chưa có trường mầm non dành cho con công nhân lao động, do vậy nhiều người phải gửi con trường tư với giá rất cao, từ 1,1-2,5 triệu đồng/cháu/tháng.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là tiền điện (tăng lũy tiến) đã tác động trực tiếp đến đời sống của công nhân.
“Để bù lại các khoản chi phí, công nhân buộc phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động”, ông Thắng nói.
Không có tiền tiết kiệm, đó là điều chắc chắn
62,2% người lao động được hỏi trong khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn thực hiện cho biết họ không có tiền tiết kiệm.
Anh Văn Quí, một công nhân ở Cà Mau, cho biết anh phải làm việc để nuôi vợ (đang thất nghiệp) và con nhỏ nên phải nỗ lực rất nhiều.
“Mức lương của tôi chỉ gọi là tạm đủ sống, nếu gia đình có ai bệnh tật hay cần chi tiêu gì phát sinh thì hoàn toàn không biết trông vào đâu. Lương thì thấp nhưng vật giá thì cứ leo thang liên tục, theo hoài cũng không kịp”, anh Quý chia sẻ
Nhiều công nhân hiện phải tăng ca mới đủ chi phí để trang trải mức sống tối thiểu. Trong ảnh: công nhân rút tiền tại KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Đại diện công đoàn Công ty TNHH Toto VN cho rằng mức lương tối thiểu ở vùng I cũng cần phải tăng thêm 25% mới có thể đủ cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Với mức lương tối thiểu vùng hiện tại, những lúc bệnh tật, ốm đau, bản thân người lao động, hoặc người thân trong gia đình phải đương đầu với khó khăn lớn.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng bày tỏ sự trăn trở về câu chuyện “té giá theo lương” của nhiều mặt hàng sinh hoạt.
Độc giả Tâm An trăn trở: “Bao năm rồi, tăng lương thì giá cả thị trường tăng, thậm trí rục rịch tăng trước lương. Tại sao cứ phải loay hoay với bài toán tăng lương (không theo quy luật tự nhiên) mà không tập trung ổn định giá cả? Dùng nguồn vốn tăng lương (nếu có) cho đầu tư phát triển tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh... quản lý điều tiết tốt giá dịch vụ công, điện nước, xăng, dầu giảm cân bằng với thu nhập. Đó là cách tăng lương tốt nhất cho người dân, phát triển ổn định cho đất nước. Kinh tế đi lên ắt lương sẽ tăng theo”.
Lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích lương tối thiểu là tiêu chí, thước đo và động lực cho sự phát triển kinh tế, nhất là an sinh xã hội. Nó cũng là nhân tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động trong một khoảng thời gian với mức tiêu chuẩn dinh dưỡng nhất định, phải đảm bảo để không làm tăng giá thành của các chi phí sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên TS Nguyễn Minh Phong cũng nói thêm giữa hai đề nghị, tăng theo mức do đại diện người lao động hay theo mức do giới chủ sở hữu lao động, “chúng tôi cho rằng nên có sự dung hòa khoảng từ 13-15%. Nếu mức tăng dưới sàn (khoảng 10%) sẽ mất ý nghĩa do quá trình lạm phát, còn nếu đạt tới khoảng 17% có thể tạo ra áp lực cho doanh nghiệp.
Nếu tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu mà một bộ phận người lao động khác phải mất việc do công ty giảm biên chế thì mục tiêu cao nhất của việc tăng lương sẽ bị hạn chế và sai lệch”, ông Phong phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia về tiền lương cho rằng nếu tăng mức lương tối thiểu lên quá cao thì sẽ tạo nên áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp, trong điều kiện kinh tế vừa mới phục hồi.
“Chúng tôi mong rằng sẽ có sự trao đổi thông tin sao cho tạo sự đồng thuận cao nhất không chỉ giữa đại diện doanh nghiệp, người lao động mà còn cần tiếng nói ủng hộ từ công luận”, ông Phong nhìn nhận.
Làm thêm 100 giờ/tháng Tính trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) chiếm từ 20-25% tổng thu nhập của người lao động. Tức là tiền lương cơ bản chiếm 75-80% thu nhập. Dẫn chứng cụ thể, theo phiếu lương của một công nhân có thu nhập 4,690 triệu đồng, thì tiền làm thêm 48,5 giờ là 1,1 triệu đồng, tiền ăn ca 31 bữa là 465.000 đồng. Tại một doanh nghiệp khác ở Khu chế xuất Linh trung I, để có thu nhập 6 triệu đồng, người lao động phải làm thêm gần 100 giờ/tháng. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Anh Văn Quí
>> Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận