Bị cáo Châu Thị Thu Nga (bên phải) tại tòa - Ảnh: DIỆP THANH
Sáng 12-4, phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga - cựu đại biểu Quốc hội, chủ tịch HĐQT Công ty Housing Group - và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước vào phần tranh luận.
Sau khi phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm (tù chung thân) với bị cáo Châu Thị Thu Nga.
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Châu Thị Thu Nga kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm xử tù chung thân về tội lừa đảo là quá nặng, không đúng tội danh. Các bị cáo còn lại đều kháng cáo kêu oan, tại tòa thì chuyển sang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện Kiểm Sát tại phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga - Ảnh: DIỆP THANH
Đơn kháng cáo của gần 200 bị hại kháng cáo có nội dung liên quan tới việc yêu cầu công nhận hợp đồng kinh tế giữa họ với Housing Group có hiệu lực, kiến nghị UBND TP Hà Nội cho tiếp tục được triển khai dự án…
Nhận thấy qua lời khai của các bị cáo đã thể hiện dù dự án B5 Cầu Diễn chưa được cấp phép xây dựng theo quy định, chưa được phép huy động vốn nhưng bà Châu Thị Thu Nga đã bằng thủ đoạn gian dối huy động tiền của các bị hại thu số tiền hơn 377 tỉ đồng.
Các bị cáo khác nguyên là phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc sàn giao dịch biết dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh, chưa được cấp phép nhưng đã giúp sức bà Nga chiếm đoạt tiền của các khách hàng.
Xét kháng cáo của các bị cáo, đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật lên cổng thông tin của Housing Group, trực tiếp ký hợp đồng thi công cọc khoan nhồi khi chưa được cấp phép để nhiều người tin tưởng.
Sau đó, bà Nga cùng các bị cáo khác đã trực tiếp ký hợp đồng thu tiền 377 tỉ đồng của các khách hàng. Số tiền này bà Nga đã chi tiền cho mục đích cá nhân, đầu tư, hoạt động của công ty, đầu tư dự án.
Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của các khách hàng, họ nói biết thông tin trên cổng thông tin của Houising Group nhưng không được biết dự án B5 Cầu Diễn chưa được cấp phép quy hoạch điều chỉnh.
Do đó, theo cơ quan công tố, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi gian dối, có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga, theo Viện kiểm sát, không có cơ sở xem xét kháng cáo của bị cáo, không đủ cơ sở xem xét tội danh khác. Mức án cấp sơ thẩm tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật, không có tình tiết nào xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Nga.
Ngoài bị cáo Nga, một số bị cáo khác theo đại diện Viện kiểm sát không có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bị cáo Lê Hồng Cương, Viện kiểm sát nhận định bị cáo thành khẩn khai báo, có thời gian công tác trong quân ngũ, có bố mẹ được tặng thưởng huân chương kháng chiến, chú ruột là liệt sĩ. Ngoài ra bị cáo Cương còn được bị hại có đơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
"Đây là cơ sở xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Cương", đại diện Viện kiểm sát nói.
Bị cáo Phạm Thanh Tuyên nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, giúp sức với số tiền trên 1 tỉ đồng, rất ít so với bị cáo khác. Bị cáo ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng nên có căn cứ xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Đối với một số công ty là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện kiểm sát cho rằng không có cơ sở chấp nhận.
Về dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận