Báo cáo này liên quan đến các vấn đề báo chí nêu về nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang). Theo đó, Lee & Man có hệ thống ba cụm chính gồm nhà máy giấy công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm và một số công trình hỗ trợ gồm cảng biển, nhà máy điện cùng khu xử lý chất thải.
Bộ Công thương xác nhận bộ này (khi đó là Bộ Công nghiệp) đã đồng ý về chủ trương xây dựng nhà máy giấy 420.000 tấn/năm khi được UBND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến.
Lý do, theo thuyết minh của chủ đầu tư cũng như thông báo của Hậu Giang, sản phẩm dự kiến của nhà máy là giấy bao bì và bao bì cao cấp. Tại thời điểm đó, nguồn cung cấp trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Theo Bộ Công thương, do thuyết minh của Lee & Man nêu nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì là giấy cactông đã qua sử dụng, ít sử dụng hóa chất chứ không phải đi từ bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng, nên Bộ Công thương yêu cầu làm đánh giá tác động môi trường, nếu đảm bảo có thể tiến hành dự án.
Với dự án nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công thương khẳng định không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang, nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp.
Theo một nguồn tin ở Bộ Công thương, dự án nhà máy bột giấy nếu được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của bộ chuyên ngành là không đúng theo quy định của Chính phủ.
Vị này còn cho biết việc thẩm định thiết kế cơ sở với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của bộ chuyên ngành (khi đó là Bộ Công nghiệp), UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng quy định.
Bộ Công thương phân tích: dự án sản xuất bột giấy khác với sản xuất giấy từ cactông vì phải lấy nguyên liệu từ gỗ, và công nghệ này chắc chắn phát thải một số chất thải do phải sử dụng nhiều hóa chất.
Khu vực Tây Nam bộ lại có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi dày và đan xen nhau nên theo Bộ Công thương, không phù hợp với trồng cây nguyên liệu giấy và sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ. Với các lý do trên, Bộ Công thương thể hiện quan điểm: có thể xem xét dừng việc triển khai dự án nhà máy bột giấy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất dừng dự án nhà máy bột giấy của Lee & Man từ Bộ Công thương, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - đơn vị có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành cảnh báo và có nhiều kiến nghị về dự án này - cho biết cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, phân tích, xem xét và đưa ra kiến nghị như trên là rất kịp thời.
“Sau khi có tác động từ vụ Formosa, chắc chắn Chính phủ sẽ có quan tâm đúng mức vấn đề của Lee & Man. Hi vọng ở vấn đề này sẽ được xem xét một cách thấu đáo” - ông Hòe nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái và phát triển bền vững khu vực ĐBSCL, cũng nhận định Bộ Công thương đề xuất dừng nhà máy bột giấy của Lee & Man là một động thái tích cực. Tuy nhiên, việc sản xuất bao bì vẫn còn một số quan ngại và nguyên liệu nhập về là loại gì cần được làm rõ.
Ban đầu không có trong quy hoạch Về tổng thể, Bộ Công thương công nhận quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt đã không phân bổ vùng trồng cây nguyên liệu giấy và xây dựng nhà máy sản xuất giấy cũng như bột giấy tại khu vực Tây Nam bộ. Tuy nhiên, do Hậu Giang tách khỏi Cần Thơ cần sản xuất công nghiệp để phát triển cũng như giải quyết công ăn việc làm nên chấp nhận hồ sơ của Tập đoàn Lee & Man Paper. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận