10/09/2013 06:40 GMT+7

Đề nghị xem xét, đình chỉ điều tra chị Phan Thị Oanh

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Việc chị Phan Thị Oanh có tên trong danh sách 10 người bị khởi tố được dư luận rất quan tâm, bởi chị Oanh chính là người đã tố cáo và tích cực góp công đưa vụ việc “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) ra ánh sáng.

Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã lên tiếng về vấn đề này.

5B8TymmV.jpgPhóng to
Bé Nguyễn Đình Khôi 2 tuổi được bác sĩ lấy máu xét nghiệm, ảnh chụp tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) sáng 15-8 - Ảnh: Nguyễn Khánh
JgNGkVwx.jpgPhóng to

Bà Lê Thị Nga - Ảnh: V.D.

Tại phiên họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng cuối tuần qua, bà Lê Thị Nga đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp Hà Nội xem xét, đình chỉ điều tra đối với chị Phan Thị Oanh.

Bà Nga nói:

- Như thông tin tôi được biết, chị Phan Thị Oanh đã có đóng góp lớn trong việc đưa vụ “nhân bản” xét nghiệm ra ánh sáng. Ba chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Thị Nam Đông - những người đứng đơn tố cáo - cũng đã cho biết nếu không có đóng góp quan trọng của chị Oanh thì họ không thể có đầy đủ chứng cứ để tố giác vụ việc này.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang khuyến khích người dân tích cực tố giác, tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, số người dám dũng cảm đứng ra tố giác, tố cáo tiêu cực, tham nhũng rất ít, đặc biệt đối với trường hợp tố cáo chính ngay trong đơn vị mình đang công tác, bởi họ rất sợ bị trù dập, trả thù, thậm chí bị tố ngược, mất việc...

Trong tình hình cái xấu chưa bị lên án, cái tốt chưa được bảo vệ đã tác động tiêu cực đến tâm lý số đông. Việc các chị bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân, kiên trì tố cáo tiêu cực ở Bệnh viện Hoài Đức thật sự là những hành động dũng cảm đáng được vinh danh khen thưởng.

* Thưa bà, việc chị Oanh cũng bị khởi tố có phù hợp?

- Vụ việc của chị Oanh được dư luận quan tâm đặc biệt nên việc xử lý của cơ quan tư pháp sẽ có tác động lớn đối với xã hội. Tác động này chỉ có thể là tích cực khi kết quả xử lý làm cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều cảm thấy tâm phục khẩu phục.

Theo thông tin tôi được biết, chị Oanh có ký 18 phiếu xét nghiệm trong tổng số trên 1.000 phiếu xét nghiệm khống. Nếu thông tin này là chính xác thì chị cũng là người có những vi phạm.

Việc khởi tố để điều tra đối với hành vi này là không sai. Nhưng cơ quan tố tụng cũng cần đánh giá sâu sắc hoàn cảnh, nguyên nhân, điều kiện cụ thể khi chị Oanh thực hiện hành vi và đánh giá hậu quả thực tế của hành vi đó.

Xét trong tổng thể vụ án, con số 18 phiếu này là có mức độ, và chị Oanh đã tự chấm dứt hành vi này. Nếu là người không tốt, chị Oanh có thể tiếp tục chứ không chỉ dừng ở con số 18 đó.

Không những tự chấm dứt vi phạm, chị còn dũng cảm cùng đồng nghiệp tố cáo vụ việc. Hơn ai hết, chị Oanh nhận thức rất rõ: khi tố cáo vụ việc tức là cũng đồng thời tự tố cáo chính mình, nhưng chị vẫn lựa chọn như vậy. Suy cho cùng, tình tiết này có thể coi như là “tự thú” mặc dù không đảm bảo quy trình.

* Theo bà, những căn cứ nào để chị Oanh có thể được hưởng khoan hồng do đóng góp của mình?

- Điều 3 Bộ luật hình sự nêu rõ nghiêm trị người chủ mưu, ngoan cố, chống đối, nhưng “khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội”.

Điều 25 khoản 2 quy định chính sách miễn trách nhiệm hình sự cho người “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm”.

Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra đình chỉ điều tra nếu “...có một trong những căn cứ tại điều 25 Bộ luật hình sự”. Như vậy về mặt pháp lý là có thể áp dụng điều 3, vận dụng điều 25 Bộ luật hình sự để đình chỉ điều tra đối với chị Oanh.

Về thực tiễn hoạt động đình chỉ điều tra, hằng năm cơ quan tố tụng đã đình chỉ theo điều 25 khoảng 600 trường hợp. Như vậy, xét một cách toàn diện cả về mặt pháp lý, chính trị, thực tiễn hoạt động tố tụng và yêu cầu đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng hiện hành, việc đình chỉ điều tra đối với chị Oanh là hết sức cần thiết.

Việc này vừa đảm bảo công bằng, khách quan cho chị, vừa thể hiện tính nhân đạo và nhân văn, vừa có tác dụng tích cực khuyến khích người dân tham gia tố cáo, tố giác tiêu cực, tham nhũng.

* Có thực tế lâu nay người tố cáo tham nhũng, tiêu cực chưa được bảo vệ tốt và vinh danh thỏa đáng, như trường hợp ba chị tố cáo vụ việc ở Hoài Đức, việc khen thưởng được thực hiện một cách hình thức, một số trường hợp khác bị trù dập. Theo bà, như vậy liệu có khuyến khích được người dân tham gia chống tham nhũng như lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước?

- Chắc chắn là không. Chúng ta chưa bảo vệ tốt được người tố cáo, chưa thật sự khen thưởng và vinh danh họ theo đúng nghĩa đầy đủ của những từ này. Tôi rất bức xúc và day dứt khi một số trường hợp người tố cáo tiêu cực bị trù dập, trả thù, bị mất việc hoặc họ kiên quyết không nhận khen thưởng bởi cơ quan giải quyết vụ việc chưa cầu thị, chưa đi đến cùng.

Vụ Bệnh viện Hoài Đức, chúng ta xử lý thế nào mà trong lễ khen thưởng người được khen thưởng đầy nước mắt?

Có bao nhiêu trường hợp bị trù dập sau khi tố cáo tham nhũng, tiêu cực Thanh tra Chính phủ đã tổng kết và xử lý thế nào?

Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng những trường hợp tố cáo cụ thể này không chỉ để động viên khuyến khích họ, mà cao hơn nữa là một thông điệp minh chứng cho toàn xã hội về việc Nhà nước đã thực hiện tốt chính sách bảo vệ, khen thưởng người tố cáo. Có như vậy xã hội mới không còn coi những người tố cáo tiêu cực là người “bất thường”, “tự rước vạ vào thân”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp