PGS.TS Bùi Xuân Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TR.H.
Với trường tư thục, Luật giáo dục năm 2019 quy định tài sản của trường thuộc sở hữu của nhà đầu tư và không có điều khoản quy định Chính phủ hướng dẫn gì cả. Quan niệm về sở hữu trong trường tư thục như vậy là không ổn.
PGS.TS Bùi Xuân Hải
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - hiệu trưởng hệ thống Trường Việt Úc - cho rằng cần nhìn thẳng sự thật trường tư thục là doanh nghiệp. "Đây là bản chất, nên dù nói gì đi chăng nữa cũng không thể thay đổi được vì thực sự nhà đầu tư bỏ tiền ra tự hạch toán, tự cân đối và tự quản trị nhà trường để đạt mục tiêu của doanh nghiệp. Vì vậy cần có sự công nhận chính thức của luật pháp mới có cơ sở hoạt động. Trong khi thực tế hiện nay luật đang rất nhập nhằng về vấn đề này" - bà Xuân nhận định.
Cũng theo bà Xuân, khi chấp nhận trường tư thục là doanh nghiệp sẽ có vấn đề là các tổ chức lập ra công ty để thành lập trường thì luật pháp chi phối hoạt động của công ty, khác so với luật chi phối nhà trường mà họ góp vốn trực tiếp. Đối với các trường tư thục, Chính phủ cũng cần có các nghị định hướng dẫn chi tiết quy định rõ trường...
Bà Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Phenikaa) cũng cho rằng thực tế cần nhìn nhận trường ĐH tư thục hoạt động vì lợi nhuận về bản chất thuộc khối kinh tế tư nhân nhưng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nên khuôn khổ pháp lý chung là pháp luật kinh doanh.
Trong khi đó, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận mang bản chất là đơn vị hoạt động vì lợi ích công cộng nhưng có nguồn vốn từ tư nhân. Ngoài cơ chế ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình trường này như ưu tiên giao đất, cho thuê đất, ưu đãi về thuế (có thể thuế suất 0%), cần thiết có chính sách hỗ trợ đào tạo như đối với sinh viên các trường công lập, vinh danh nhà tài trợ thành lập trường.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, các quy định pháp luật cũng cần dự liệu tình trạng lợi dụng chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với trường ĐH tư hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận để thu lợi riêng cho cá nhân, tổ chức.
Tình huống giả định trong trường hợp một trường ĐH tư thục do một tập đoàn nắm giữ 90% số vốn điều lệ cam kết hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực tế đã thực hiện không rút vốn, không chia cổ tức, nhưng trong quá trình hoạt động thì trả lương rất cao cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu viên, đầu tư lớn vào cơ sở vật chất phục vụ việc nghiên cứu sáng chế để chuyển giao với chi phí rất thấp cho công ty cổ phần tập đoàn.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, các nhà đầu tư bỏ tiền thành lập trường, câu hỏi đầu tiên trường có phải là pháp nhân không, định nghĩa nhà trường là gì... Nhưng hiện nay có người đang lẫn lộn giữa cơ sở giáo dục và nhà trường. Vì vậy, một nhóm trẻ độc lập cũng là cơ sở giáo dục, một trường ĐH cũng là cơ sở giáo dục.
"Trong quá trình soạn thảo luật, chúng tôi muốn theo mô hình nhà đầu tư bỏ tiền thành lập công ty, sau đó doanh nghiệp này bỏ tiền thành lập trường tư thục và coi trường như bộ phận hoạt động kinh doanh, ngành nghề kinh doanh đặc biệt; khi đó trường không có mã số thuế riêng, không có quyền sở hữu tài sản theo mô hình ở các nước phát triển, hoặc thành lập trường là một pháp nhân và vận hành như kiểu mô hình công ty mà nhà đầu tư chỉ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp.
Tuy vậy, hiện cũng có nhiều ý kiến muốn bỏ tiền đầu tư vào trường như đã làm lâu nay, đề nghị duy trì việc này và đòi nhà đầu tư có quyền sở hữu trường, sở hữu tài sản của trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận