
Các bị can Trương Thanh Phong, Trần Bảy, Trần Văn Vẹn (từ trái qua) tại cơ quan công an - Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) và các đơn vị liên quan.
Các bị can Trương Thanh Phong (cựu ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc Vinafood II), Trần Văn Vẹn (cựu chủ tịch Vinafood II), Trần Bảy (cựu trưởng phòng kế hoạch Vinafood II, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vĩnh Hội), Vũ Bá Vinh (cựu ủy viên hội đồng quản trị kiêm trưởng ban kiểm soát Vinafood II), Trương Văn Húa và Trương Văn Ảnh (cùng là cựu ủy viên hội đồng quản trị Vinafood II) cùng bị đề nghị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo hồ sơ, Vinafood II là công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu. Khu đất 132 Bến Vân Đồn (phường 6, quận 4), diện tích 7.890,9m² là công sản được giao cho Vinafood II quản lý, sử dụng.
Thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, Vinafood II đề xuất lập dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp cao ốc văn phòng và nhà ở căn hộ cao tầng trên khu đất, và được cơ quan thẩm quyền chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo quyết định của Bộ Tài chính nêu: Vinafood II có trách nhiệm lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư và xây dựng. Sau 24 tháng, nếu Vinafood II không triển khai thực hiện dự án thì Nhà nước sẽ thu hồi đất.
Tuy nhiên ông Trương Thanh Phong dù biết rõ Vinafood II phải làm chủ đầu tư dự án theo phương án xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất 132 Bến Vân Đồn được Bộ Tài chính phê duyệt và các văn bản hướng dẫn, nếu không triển khai thì sẽ bị thu hồi đất.
Nhưng do Vinafood II không có năng lực nên ông Phong tìm đối tác để thành lập liên doanh thực hiện dự án.
Ông Phong lựa chọn và quyết định cho Công ty Nguyễn Kim, Công ty Thái Sơn cùng tham gia, rồi đề xuất hội đồng quản trị Vinafood II chấp thuận thực hiện theo hình thức thành lập pháp nhân mới là Công ty Vĩnh Hội.
Bản chất là Vinafood II đứng ra mua hộ khu đất, rồi chuyển giao cho Công ty Vĩnh Hội và nhận được 10% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội, giá trị sổ sách là 15 tỉ đồng.
Để hợp thức việc trên, ông Phong giao cho Công ty Vĩnh Hội sử dụng danh nghĩa của Vinafood II để thực hiện các thủ tục lập, trình các cơ quan chức năng phê duyệt dự án.
Khi Vinafood II được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Phong chỉ đạo kế toán trưởng không lập hồ sơ tài sản, bỏ ngoài sổ sách khu đất để che giấu. Đồng thời chỉ đạo ông Trần Bảy lập tờ trình để đề xuất hội đồng quản trị Vinafood II cho chuyển quyền sử dụng đất sang Công ty Vĩnh Hội theo hình thức chỉ định, không thẩm định lại giá, không tổ chức đấu giá.
Ông Phong thừa nhận quyền sử dụng đất 132 Bến Vân Đồn là tài sản nhà nước nên việc Vinafood II không lập hồ sơ tài sản cố định, chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội theo hình thức chỉ định, không thẩm định lại giá là trái các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, quản lý vốn nhà nước, gây thiệt hại tài sản nhà nước. Ông Phong không được hưởng lợi gì từ việc này.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 113,7 tỉ đồng. Đây là số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường (theo kết luận định giá tại thời điểm tháng 1-2011 là 241,5 tỉ đồng) với giá trị do Vinafood II tự ấn định để góp vốn (hơn 127,7 tỉ đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận