QL 5 qua Hà Nội phân làn theo loại xe khiến tài xế dễ dính lỗi đè vạch, sai làn khi quay đầu xe - Ảnh T.PHÙNG |
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Nguyễn Văn Huyện vừa có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị nghiên cứu tổ chức giao thông trên tuyến Nhật Tân - Nội Bài, đường Võ Chí Công và quốc lộ (QL) 5 thuộc địa phận Hà Nội để phù hợp với tình hình giao thông, tăng năng lực thông hành và phù hợp với quy định mới về tốc độ.
Đối với 11 km QL5 đoạn qua Hà Nội (Km 0 đến Km11+135), TCĐB cho biết hiện nay đang được phân làn theo thứ tự từ dải phân cách giữa ra hai bên như sau: làn ô tô con + ô tô khách, làn ô tô khách + ô tô tải, làn xe máy.
Theo TCĐB đây là đoạn tuyến có lưu lượng xe con, xe khách lớn, thành phần lưu lượng của các loại xe không đồng đều và thay đổi theo từng thời điểm dẫn đến có thời điểm có làn đường rất ít xe, có làn thì rất nhiều xe làm giảm khả năng lưu thông, đặc biệt khi phải dừng chờ tại khu vực các nút giao đèn tín hiệu.
Mặt khác, vạch sơn làn sát dải phân cách giữa ở các nút giao đèn tín hiệu trên cùng đoạn đường ngắn, đặc điểm giao thông tương tự nhưng có vị trí chỉ cho phép rẽ trái, có vị trí vừa cho phép rẽ trái vừa đi thẳng dẫn đến lái xe dễ vi phạm (đặc biệt đối với lái xe không quen đường, mật độ phương tiện nhiều khó quan sát).
Để nâng cao khả năng khai thác, tận dụng mặt đường để lưu thông, TCĐB đề nghị điều chỉnh theo hướng:
Bổ sung biển báo cho phép xe con lưu thông trên cả 2 làn (làn sát dải phân cách giữa và làn kế tiếp); Điều chỉnh vạch sơn tại làn sát dải phân cách giữa tại khu vực đèn tín hiệu để cho phép vừa rẽ trái vừa đi thẳng; đồng thời điều chỉnh chu kỳ, pha đèn cho phù hợp.
Về lâu dài, sau khi các công trình cầu vượt tại Km 0 và dự án nút giao đường dẫn cầu Thanh Trì với QL 5 hoàn chỉnh, TCĐB đề nghị Sở GTVT Hà Nội có phương án điều chỉnh tổng thể tổ chức giao thông đoạn tuyến nêu trên cùng với QL 5 kéo dài.
Đối với đường từ Nhật Tân đi Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) hiện nay đang được khai thác với tốc độ tối đa 80km/ giờ (riêng các nhánh rẽ là 60km/ giờ); đoạn qua nhà ga T1, T2 chỉ cắm biển "Đi chậm - SLOW".
Theo TCĐB, đường Nhật Tân - Nội Bài là tuyến đường mới được xây dựng, với đặc điểm giao thông và quy mô hiện tại có thể phân chia thành 3 đoạn để tổ chức khai thác với tốc độ tối đa như sau:
Đoạn 1: Từ đầu phía Nam cầu Nhật Tân đến cầu Sông Thiếp có xe máy đi chung, cần điều chỉnh làn dành riêng cho xe con (làn sát dải phân cách giữa) từ 80km/giờ thành 90km/giờ, các làn tiếp theo dành cho ô tô vẫn giữ tốc độ tối đa 80km/giờ, làn ngoài cùng dành cho xe máy tốc độ tối đa 70km/giờ.
Đoạn 2: Từ cầu Sông Thiếp đến điểm mở dải phân cách giữa (khu vực khách sạn Vĩnh Gia) đã được phân xe máy đi riêng đường gom, chỉ có ô tô lưu thông cần điều chỉnh làn dành riêng cho xe con (làn sát dải phân cách giữa) từ 80km/giờ thành 90km/giờ; các làn còn lại giữ nguyên. Ngoài ra, thay thế biển 60km/giờ trên giá long môn bằng biển 80km/giờ và dỡ bỏ biển 80km/giờ riêng lẻ không phù hợp trên tuyến; chỉ cắm biển 60km/ giờ tại các đầu nhánh ra.
Đoạn 3: Đoạn còn lại qua khu vực nhà ga T1, T2 sân bay Nội Bài (giới hạn bởi điểm mở dải phân cách giữa đầu và cuối), thay thế biển "Đi chậm - SLOW" bằng biển hạn chế tốc độ tối đa 60km/giờ và tiếp tục theo dõi, điều chỉnh kịp thời.
Đối với đường Võ Chí Công (từ cầu Giấy đi cầu Nhật Tân) hiện đang được phân làn theo từng loại phương tiện, xe con, xe khách, xe máy ... TCĐB cho rằng việc phân làn này sẽ gây khó khăn cho các phương tiện muốn rẽ trái, rẽ phải ở khu vực nút giao. Mặt khác, hiện nay các phương tiện được chạy với cùng 1 giá trị tốc độ tối đa cho phép trong khu vực đô thị.
Vì vậy, TCĐB đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bổ sung biển bắt “bầu khu đông dân cư” (biển 420) và biển “hết khu dân cư “ (biển 421) phía Nam cầu Nhật Tân (tại vị trí hết đoạn dốc khu vực cổng vào Khu đô thị Ciputra);
Điều chỉnh biển phân làn theo thứ tự từ dải phân cách giữa ra phía lề: làn ô tô con, làn ô tô, làn ô tô, làn xe máy, làn xe máy; Xem xét điều chỉnh bổ sung vạch sơn vừa đi thẳng vừa rẽ (trái, phải) ở khu vực nút giao nếu nhu cầu rẽ lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận