Một trong các phương án xây dựng công trình lớn tại Đồi Dinh - Ảnh: BTC
Ngày 10-9, Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam gồm 11 kiến trúc sư, nhà khảo cổ, bảo tồn, nhà báo có uy tín, là chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến di sản đã gửi thư kiến nghị đến Quốc hội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá lại Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, tỉ lệ 1/500.
Theo đó, Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam đề nghị các cơ quan nói trên tổ chức một hội thảo với sự có mặt của chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn để có một kết luận khoa học nhằm xem xét đánh giá chất lượng bản đồ án nói trên, đảm bảo quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt phù hợp với Quy hoạch chung TP Đà Lạt đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như tuân thủ các quy chuẩn hiện hành.
Đồi Dinh là mảng xanh có cây cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt - Ảnh: M.VINH
Các chuyên gia nhấn mạnh năm 2019, khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt, dư luận và giới chuyên môn đã lên tiếng phản đối mạnh về tầm nhìn và chất lượng bản quy hoạch. Các chuyên gia quy hoạch và bảo tồn cho rằng quy hoạch không phù hợp với Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Mặt khác, quy hoạch trái định hướng xây dựng Đà Lạt trở thành một đô thị di sản. Quy hoạch lộ rõ những hướng đi làm mất bản sắc, giá trị kiến trúc và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt. Giá trị di sản ấy không chỉ của người Đà Lạt hay tỉnh Lâm Đồng mà còn là của nhân dân cả nước.
Trước đó, Hội đồng kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam họp ngày 15-4-2019 cũng đã có ý kiến nêu rõ "Đồ án cũng có một số điểm không phù hợp, làm ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc, văn hóa của khu vực này". Tuy nhiên, các ý kiến góp ý của Hội đồng kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng như của các chuyên gia và người dân chưa được cơ quan lập quy hoạch tiếp thu một cách tích cực để điều chỉnh lại bản đồ án này như quy định tại Luật quy hoạch đô thị.
Thay vào đó, ngày 14-8, UBND tỉnh Lâm Đồng, căn cứ vào bản quy hoạch nói trên, tiếp tục đưa ra trưng bày và lấy ý kiến về các phương án quy hoạch không gian Đồi Dinh (nơi có dinh Tỉnh trưởng được xây dựng từ năm 1910, nằm trong không gian chung khu Hòa Bình, Đà Lạt). Các phương án này để thể hiện rõ sẽ xây dựng 3 phương án xây dựng khách sạn quy mô 10 tầng với khối tích lớn.
Động thái này một lần nữa tiếp tục gây ra làn sóng phản đối trong dư luận và giới chuyên môn. Nhiều ý kiến cho rằng các phương án nhằm mở đường để nhà đầu tư có được quyền kinh doanh ở khu "đất vàng" Đồi Dinh hơn 1,6 hecta và mở rộng xây dựng các công trình lớn quanh khu Hòa Bình.
Người dân xem trưng bày các phương án quy hoạch khu Đồi Dinh - Ảnh: ĐỨC THỌ
Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng căn cứ theo trách nhiệm được quy định tại Luật quy hoạch đô thị tổ chức một hội thảo khoa học với sự tham gia góp ý rộng rãi từ các chuyên gia. Việc tổ chức hội thảo là một bước quan trọng để hướng tới xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, đồng thời là bước tiến mạnh mẽ trong việc đưa Luật kiến trúc nói chung và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề nói riêng vào thực tiễn cuộc sống.
Việc này sẽ tạo được một tiền lệ tốt cho mỗi kiến trúc sư ý thức hơn về trách nhiệm xã hội và tuân thủ nguyên tắc: "Tôn trọng, bảo vệ các di sản văn hóa xã hội và di sản tự nhiên của Tổ quốc" mà trong dự thảo Quy tắc ứng xử hành nghề của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ghi rõ.
Hiện việc trưng bày lấy ý kiến 3 phương án quy hoạch không gian đồi Dinh vẫn đang được tiếp tục tổ chức, dự kiến việc trưng bày sẽ khép lại vào ngày 14-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận