Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như trả lời trước toà về tội tổ chức đánh người vi phạm giao thông - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Sau khi kết thúc phầm thẩm vấn, chiều 23-9, đại diện Viện KSND TP.HCM đã có phần luận tội và đề nghị mức án đối với nguyên thượng úy CSGT cùng nhóm đồng phạm trong vụ đánh chết người vi phạm giao thông.
Theo đó, Phạm Sỹ Hoài Như và Nguyễn Minh Chung (24 tuổi quê Quảng Ngãi) bị đề nghị từ 10-11 năm tù; Phạm Thanh Kim Hạnh (18 tuổi, quê Đắk Nông) từ 4- 5 năm tù và Trần Đức Vững (19 tuổi, quê Quảng Ngãi), Ngô Thành Vương (19 tuổi, quê Hải Dương) từ 8-9 năm tù.
Ngoài ra các bị cáo còn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Các bị cáo trên bị cáo buộc tội cố ý gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Chín, khiến ông Chín tử vong.
CSGT quanh co, nhưng VKS đủ chứng cứ buộc tội
Trong phần xét hỏi tại tòa trước đó, các bị cáo thừa nhận có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như cáo trạng truy tố.
Riêng bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như thì cho rằng sau khi yêu cầu ông Chín đo nồng độ cồn và lập biên bản vi phạm giao thông nhưng ông Chín không chịu ký biên bản mà còn cự cãi lại với nhóm cảnh sát đang làm nhiệm vụ nên Như đã gọi điện thoại cho Chung, để nhờ Chung đưa ông Chín về nhà.
Lời khai này của Như bị chính Nguyễn Minh Chung phủ nhận, vì Chung cho biết, khi gọi điện thoại Như nhờ nhóm Chung đánh dằn mặt ông Chín chứ không phải đưa ông Chín về nhà.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ra đau thương mất mát nên cần phải xét xử nghiêm.
VKS cho rằng trong vụ này, Như là người chủ mưu cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra Như quanh co, chối tội nhưng với nhiều bằng chứng khác, VKS thấy có đủ căn cứ để khẳng định Như có hành vi cố ý gây thương tích cho ông Chín.
Gia đình Như đã khắc phục một phần hậu quả đối với gia đình bị hại, Như là người thực hiện vai trò tích cực trong việc lôi kéo các bị cáo khác trong đó có Phạm Thanh Kim Hạnh là người chưa thành niên nên cần phải xét xử nghiêm minh.
Các bị cáo khác đều có thái độ khai báo thành khẩn và tích cực, nên có thể áp dụng các biện pháp giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như trả lời trước toà về tội tổ chức đánh người vi phạm giao thông - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Luật sư bị hại đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại
Sau phần luận tội và đề nghị mức án của VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo, luật sư bảo vệ cho bị hại đã nêu quan điểm của mình đối với vụ án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như cho rằng việc Như không nhận tội là có cơ sở vì Như chỉ gọi điện thoại cho Chung để nhờ mấy người này đến hỗ trợ để ông Chín không gây ồn ào chứ không phải là gọi đến để đánh dằn mặt.
Luật sư cũng khẳng định lời khai của các bị cáo về việc Như dụ đưa tiền và hứa chăm sóc cho gia đình các bị cáo để các bị cáo nhận tội hay có một cán bộ công an hướng dẫn các bị cáo khai trước khi các bị cáo đi đầu thú làm ảnh hưởng rất xấu đến tình trạng của Như.
Lời khai tại phiên tòa cũng như hồ sơ cho thấy chưa đủ căn cứ để truy tố Như với vai trò chủ mưu trong vụ việc này.
Trong khi đó, luật sư Trần Bích Thủy bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Chung thì cho rằng ông Chín cũng là người vi phạm pháp luật khi điều khiển xe gắn máy mà trong người có nồng độ cồn, sau đó thì có hành vi chống người thi hành công vụ.
Luật sư của các bị cáo khác đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Cao Sang - người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại cho rằng cáo trạng đã bỏ qua nhiều tình tiết theo hướng có lợi cho các bị cáo.
Luật sư Sang cho rằng rất nhiều dấu vết về thương tích của ông Chín mà cáo trạng không nêu: các vết bầm tụ máu trên đầu, xây xát vùng ngực, da, thượng vị, bầm tụ máu dưới da đầu…
Luật sư cũng nói biên bản giải phẫu tử thi cho thấy, não của nạn nhân bị phù và xung huyết, là những vết thương liên quan đến não và sự sống. Đây là thiếu sót cơ bản trong cáo trạng và phần luận tội của VKS.
Luật sư Sang cũng công bố những thông tin khác cho thấy bị cáo Vương đã dùng nón để đánh ông Chín, đây cũng là lời khai của nhân chứng có thấy có 2 thanh niên dùng nón để đánh vào người nạn nhân đến 10 phút.
Do đó, luật sư cho rằng do có vết sung huyết trên đầu nạn nhân nên không thể nói nguyên nhân chết là do vỡ ruột non, do vậy, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại.
Gọi côn đồ đến xử người vi phạm giao thông
Theo cáo trạng, tối 25-6-2014 ông Nguyễn Văn Chín - ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM lái xe có biểu hiện sử dụng rượu bia đi đến giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (thuộc Q.Tân Phú) thì gặp tổ tuần tra của CSGT Tân Bình (trong đó có nguyên thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như) yêu cầu dừng xe.
Khi tổ công tác yêu cầu ông Chín đo nồng độ cồn, ông Chín không chấp hành, không ký biên bản mà cự cãi với các CSGT.
Phạm Sỹ Hoài Như đã gọi điện cho Nguyễn Minh Chung (24 tuổi, quê Quảng Ngãi, người quen của Như, khi đó đang lái xe chở Nguyễn Quốc Khánh đi trên đường Lê Hồng Phong, Q.10) yêu cầu Chung đến ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Chung nghe điện thoại của Như xong thì gọi điện thoại tiếp cho Phạm Thanh Kim Hạnh (18 tuổi, quê Đắk Nông) và Trần Đức Vững (19 tuổi, quê Quảng Ngãi). Vững chở Ngô Thành Vương (19 tuổi, quê Hải Dương) đến theo yêu cầu.
Khi nhóm này đến nơi, Như nói rõ cho Chung biết là ông Chín không ký biên bản vi phạm giao thông mà còn cự cãi và bảo Chung đánh dằn mặt, đuổi ông Chín đi để tổ công tác làm việc.
Sau đó, Như mô tả đặc điểm của ông Chín để nhóm của Chung đánh. Nhóm này đã đánh ông Chín khiến ông Chín tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận