Phóng to |
Tàu Vinalines Queen |
Trao đổi với các thân nhân thuyền viên, ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) - cho biết ngay từ khi tàu mất liên lạc, cơ quan này đã xác định tình huống coi như tàu bị tai nạn và đề nghị các cơ quan liên quan triển khai tìm kiếm với hình thức tàu bị tai nạn chứ không đơn thuần là mất liên lạc.
Và khi tàu London Courage tìm thấy thủy thủ Đậu Ngọc Hùng vào ngày 30-12-2011, Việt Nam MRCC đã phát tin tàu chìm và yêu cầu tìm kiếm với mức độ cứu nạn ở cấp độ quốc gia chứ không còn là tìm kiếm thông thường.
Phóng to |
Khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn |
Trong cuộc họp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam MRCC cũng đã đề nghị chỉ đạo Công ty vận tải biển Vinalines (Vinalines Shipping) tiếp tục thuê máy bay hoặc tàu biển để tìm kiếm các thuyền viên. Trong đó phương án thuê tàu biển là phù hợp nhất vì máy bay khó phát hiện những vật thể nhỏ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã giao Vinalines Shipping thuê phương tiện tiếp tục tìm kiếm.
Phóng to |
Người thân của thuyền trưởng, máy trưởng tàu Vinalines Queen trao đổi với lãnh đạo VN MRCC về các biện pháp tìm kiếm thuyền viên - Ảnh: Tuấn Phùng |
Tuy nhiên, bà Trần Thị Thắng (vợ của máy trưởng Lê Bá Trúc) cho rằng việc Vinalines Shipping tiếp tục thuê máy bay để tìm kiếm sau khi phát hiện thấy thuyền viên Đậu Ngọc Hùng là không phù hợp vì đã nhiều lần tìm bằng máy bay mà không thấy. Theo bà Thắng, nếu thuê tàu biển tìm sẽ hiệu quả hơn.
Giải thích vấn đề này, đại diện Vinalines Shipping cho biết chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn là tiếp tục tìm kiếm bằng các phương tiện có thể và công ty đã sang Philippines thuê máy bay tìm kiếm. Không phủ nhận nỗ lực của công ty nhưng bà Thắng cho rằng việc thuê máy bay tiến hành chậm, không phù hợp bằng thuê tàu để tìm kiếm.
Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết kiến nghị của Việt Nam MRCC là chủ tàu nên thuê tàu tìm kiếm và tối ưu là thuê tàu ở ngay đảo Luzon (Philippines) để tìm.
Tại cuộc làm việc, ông Lê Bá Hợp (anh trai máy trưởng Lê Bá Trúc) đề nghị chưa bàn tới trách nhiệm của chủ tàu mà cần bàn giải pháp tìm kiếm tiếp theo. Với thâm niên từng làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, ông Hợp đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam MRCC và không phủ nhận nỗ lực của chủ tàu.
Ông Hợp và các gia đình thuyền viên thống nhất đề nghị Vinalines Shipping khẩn trương thuê tàu từ Philippines tìm kiếm các thuyền viên còn lại trong thời gian trước mắt. Đồng thời kiến nghị thuê tàu, máy bay tầm xa có thiết bị chuyên dụng của Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm. Việt Nam MRCC thống nhất phương án này và đề nghị trường hợp thuê được tàu thì cơ quan này sẽ phối hợp với các tàu để tìm kiếm.
Phóng to |
Ông Lê Bá Hợp (đeo kính), anh trai máy trưởng Lê Bá Trúc, đề nghị thuê tàu biển tìm kiếm - Ảnh: Tuấn Phùng |
Theo ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Việt Nam MRCC, trong ngày 1-1, phía Đài Loan vẫn tiếp tục dùng tàu cứu hộ tìm kiếm các thuyền viên tàu Vinalines Queen. Việt Nam MRCC vẫn đề nghị và phối hợp các tàu hoạt động trong khu vực tìm kiếm. Tuy nhiên đến cuối ngày vẫn chưa có kết quả.
Trước đó, theo thông báo của Vinalines Shipping, thông tin từ MRCC Hong Kong báo có phát hiện 1 xuồng cứu sinh và 1 phao bè của tàu Vinalines Queen trong ngày 31-12. Tuy nhiên đội bay của Vinalines Shipping thuê từ Philippines đã bay ra khu vực đó tìm kiếm, chụp ảnh và xác nhận các thiết bị này bị hư hỏng nặng, không có bất kỳ người nào trên đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận