Hội nghị văn hóa học đường tại điểm cầu Bộ Giáo dục và đào tạo - Ảnh: BỘ GD-ĐT
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn - bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - cho biết trong thời gian qua, bộ đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài.
Mới đây nhất, bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Đây là căn cứ để tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Hội nghị trên cũng nhằm thảo luận để triển khai chỉ thị trên ngay trong năm học sắp tới. Dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu, giáo dục và đại diện UBND 63 tỉnh, thành phố.
Trong phần phát biểu mang tính định hướng cho hội nghị, bà Ngô Thị Minh - thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - chỉ tóm lược nội dung chỉ thị 08 đã ban hành. Chỉ thị này đã nêu thực trạng có một bộ phận nhà giáo, học sinh, sinh viên có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.
Trong khi đó, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều quy định, giải pháp triển khai còn bất cập, cứng nhắc hoặc mang tính hình thức. Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong việc giáo dục học sinh…
Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành.
Trong phần phát biểu, trao đổi với ngành giáo dục tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội - chỉ ra những vấn đề rất đáng chú ý là "vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để".
Còn ông Nguyễn Đắc Vinh - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội - khi đề cập đến văn hóa học đường đã nêu hai mảng: môi trường cứng là cảnh quan, cơ sở vật chất trường học hướng tới tiêu chí xanh - sạch - đẹp và môi trường mềm là hoạt động chuyên môn, hành vi ứng xử của các chủ thể trong trường học. Từ đó, ông Vinh cho rằng cần thảo luận và thống nhất xây dựng hệ thống giá trị văn hóa học đường bám sát thực tiễn và có lộ trình hoàn thiện dần.
Theo ông Vinh, mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng các quy tắc ứng xử dựa trên quy định chung. Trong đó phải chú ý từ những việc rất nhỏ, gắn với hoạt động thực tiễn và mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay. Ví dụ cán bộ quản lý, giáo viên cần gương mẫu trong việc tự học, sáng tạo, lối sống; học sinh cần có môi trường rèn luyện năng lực tự học, tự chủ, ửng xử lễ phép…
Những quy tắc hình thành, duy trì một môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học sẽ là nền tảng để phát huy những yếu tố văn hóa khác, như văn hóa đọc, ứng xử với mạng xã hội, Internet trong bối cảnh chuyển đổi số, phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ông Vinh cũng cho rằng cần khích lệ giới thiệu những mô hình văn hóa học đường tốt để tạo sự lan tỏa. Đại diện Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội khẳng định sẽ đồng hành, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng văn hóa học đường...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các vấn đề được chỉ ra ở trên lại chưa được thảo luận có trọng điểm và thấu đáo tại hội nghị. Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến ở cấp cơ sở, địa phương và các chuyên gia lại nghiêng về lý luận và tầm vĩ mô, chưa đề cập sâu những vấn đề thực tiễn nóng bỏng đang diễn ra.
Đề nghị thực hiện ngay trong năm học 2022-2023
Bộ Giáo dục và đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của các đoàn thể, Hội Khuyến học để xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong chỉ thị 08. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công ngay từ đầu năm học 2022-2023.
Ông Trần Thanh Mẫn (ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận