Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chiều 8-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và chúc Tết ngành ngân hàng. Thủ tướng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc miễn, giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Còn với năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, tác động tiêu cực của dịch bệnh lên mọi mặt của cuộc sống còn nhiều.
Để phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh;
Khuyến khích, vận động tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Báo cáo Thủ tướng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục và phát triển; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.
Chủ động xây dựng các quy định triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng.
Để đạt được các mục tiêu đề ra năm 2022, trong bài phát biểu, ông Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng này tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Nhà nước.
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn thời gian áp dụng nghị quyết 42 để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, song song với việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một luật về xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
Theo ông Tú, nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh; doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn dẫn đến khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.
Việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo nghị quyết của Quốc hội, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Mức hỗ trợ lãi suất là 2% trong 2 năm 2022 - 2023, tối đa 40.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận