Ngày 25-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phương án sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất theo lộ trình đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá.
Chính phủ đề nghị từ 1-1-2016 điều chỉnh mức thuế suất đối với thuốc lá từ 65% lên 70% và đến năm 2019 tăng lên 75%. Mức thuế suất với bia tăng 50% lên 55% từ 1-7-2015, lên 60% từ năm 2017 và 65% từ năm 2018. Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên 65%; rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).
Đồng tình với đề nghị này, Ủy ban Tài chính – ngân sách cho rằng cần rút ngắn lộ trình tăng thuế với mặt hàng thuốc lá và thực hiện tăng thuế với bia từ năm 2016.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do đây là loại hình kinh doanh có thể gây nghiện cho người trẻ tuổi.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị bỏ quy định miễn thuế tại khu phi thuế quan.
“Do quy định hàng hóa đưa vào khu phi thuế quan thuộc đối tượng không thu thuế tiêu thụ đặc biệt nên thời gian qua phát sinh một số trường hợp lợi dụng chính sách này để đưa hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao (thuốc lá, xì gà, rượu, bia,...) vào trong khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan nhưng có dân cư sinh sống không có hàng rào cứng, sau đó đưa vào nội địa bằng nhiều hình thức nhằm trốn thuế, gian lận thương mại” – ông Đinh Tiến Dũng giải thích.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần cân nhắc các đề xuất trên. Theo ông Hải, không thể khẳng định tăng thuế lên thì sẽ giảm người hút thuốc, uống bia, rượu bởi đó là nhu cầu; tăng thuế thuốc lá có thể sẽ kích thích buôn lậu do chênh lệch giá giữa ta và các nước bên cạnh.
“Ứơc tính mỗi năm buôn lậu thuốc lá gây thất thoát ngân sách khoảng 6.000-6.500 tỷ đồng. Nếu chúng ta tăng thuế thì có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu” – ông Hải cho hay.
Quốc hội sẽ quyết định các vấn đề trên ngay tại kỳ họp tháng 10 tới đây.
* Cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nội dung dự án Luật an toàn vệ sinh lao động.
Theo bà Chuyền, “việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó. Nhiều cơ sở sản xuất có môi trường lao động ô nhiễm nặng gây bệnh tật cho người lao động và gây tác hại đến môi trường”.
Vì vậy, một trong những mục đích của việc ban hành luật này là để tăng cường thanh tra, kiểm tra, chế tài đối với các hành vi vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận