30/10/2015 08:16 GMT+7

Để nghị quyết 19 không... viễn tưởng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Có lẽ đã đến lúc đánh giá cụ thể từng “địa chỉ”, sơ kết để những mục tiêu tốt đẹp của nghị quyết 19/2015 không có nguy cơ trở thành... viễn tưởng.

Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 cho thấy doanh nghiệp VN vẫn gặp khó gấp bội doanh nghiệp nhiều nước ASEAN khác với thời gian nộp thuế vẫn tới 770 giờ, thời gian xin cấp phép xây dựng 166 ngày...

Ngay khi Doing business 2016 được công bố, một doanh nhân đã thốt lên: với thời gian trên, người ta bay lên Mặt trăng, trở về mấy lần rồi mà thủ tục vẫn chưa xong...

Vị doanh nhân này lo lắng: doanh nghiệp VN đã phải chịu lãi suất cao hơn nhiều nước, nay các chỉ số gắn chặt với kinh doanh như thời gian nộp thuế, khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng... đều xếp thứ 108 đến 168 (trên 189 quốc gia, vùng lãnh thổ) thì doanh nghiệp làm sao cạnh tranh?

Điều đáng nói là sau khi Chính phủ ban hành hai nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 thể hiện quyết tâm trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều bộ, ngành đã thể hiện sự quyết liệt và ra thông báo giảm được hàng trăm giờ thủ tục cho dân.

Như Bộ Tài chính công bố ban hành “thông tư sửa nhiều thông tư” và nêu đã giảm được tới 420 giờ nộp thuế, nhưng Doing business 2016 của WB đánh giá thực tế mới giảm được 40 giờ, tức chưa được 1/10 số công bố!

Thậm chí, Bộ Xây dựng được giao phải giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 114 ngày xuống còn 77 ngày nhưng theo WB, không những thời gian cho thủ tục trên không giảm mà còn tăng lên tới 52 ngày, đạt tới mức 166 ngày...

Điều này cũng thật dễ hiểu khi những bài phản ánh của Tuổi Trẻ gần đây cho thấy dù luật mới đã ra, quyết tâm được nói tới rất nhiều, rồi lãnh đạo cũng rất quyết liệt, nhưng vẫn có doanh nghiệp mất tới 3 tháng để đổi giấy đăng ký doanh nghiệp, bị đòi 15.000 USD để cấp giấy phép đầu tư...

Phải chăng việc doanh nghiệp bị hành ở VN là “bệnh nan y” không biết bao giờ có thuốc chữa?

Nhiều người băn khoăn tại sao cùng thời đại, trình độ của cán bộ VN không phải kém, thế mà các thủ tục của VN so với các nước gần gũi như Thái Lan, Malaysia... lại khác nhau đến thế.

Có lẽ đã đến lúc cần phân tích thực chất vấn đề nằm ở đâu: chính sách, quy trình, năng lực cán bộ hay vấn đề sâu xa hơn là có quá nhiều cơ quan thẩm quyền, kỷ luật không nghiêm hay thu nhập công chức không đủ sống...

Theo một nghiên cứu của CIEM, chỉ cần giảm được 29 ngày thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, VN đã có thể tăng được GDP trên 27 tỉ USD. Như vậy, việc giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính không chỉ là trách nhiệm với doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.

Kết quả Doing business 2016 là một cảnh báo: nhiều nước láng giềng đang tiến rất nhanh để tăng khả năng thịnh vượng cho dân tộc họ. Sẽ có ý kiến khẳng định còn quá sớm để nói nhiều mục tiêu nghị quyết 19/2015 đặt ra nhưng không đạt, bởi chưa hết năm 2015.

Nhưng chắc chắn, doanh nghiệp nói chung không thể tự nhiên có năng lực cạnh tranh vượt trội khi môi trường kinh doanh của đất nước, so với nhiều nước trong khu vực thôi, thua tới hàng chục bậc.

Và để đất nước tiến lên, không chỉ doanh nghiệp phải cạnh tranh mà Chính phủ cũng phải cạnh tranh với chính phủ khác. Nhà nước có trách nhiệm tạo môi trường kinh doanh, Nhà nước mà không cạnh tranh nổi thì doanh nghiệp cũng khó lòng cạnh tranh được.

Câu chuyện trách nhiệm cá nhân của các tư lệnh ngành đã được nói đến nhiều. Có lẽ đã đến lúc đánh giá cụ thể từng “địa chỉ”, sơ kết để những mục tiêu tốt đẹp của nghị quyết 19/2015 không có nguy cơ trở thành... viễn tưởng.

Doanh nghiệp và người dân luôn cần các nhà cải cách tạo hiệu quả trên thực tế, chứ không chỉ trên các bản báo cáo của các bộ, ngành.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp