Theo văn bản số 202 ngày 26-3 về "triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2022/QH15", Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các bộ, ngành sớm trình các nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
Đây chính là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2024.
Theo đó, trước ngày 31-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo tờ trình của Chính phủ (kèm dự thảo nghị quyết của Quốc hội) trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Như đã thông tin, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm có 16 chương, 260 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Trong đó, điều 190 (hoạt động lấn biển) và điều 248 (đất lâm nghiệp) có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 1-1-2024).
Luật Đất đai 2024: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị "Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024" (ngày 6-3), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Luật Đất đai 2024 được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Nổi bật là các nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…
Đồng thời, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Luật Đất đai 2024 đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận