Bị cáo Lê Quang Trí tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo bản luận tội của đại diện Viện KSND TP.HCM, tháng 11-2010, Huỳnh Thị Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được gửi các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao.
Để có tiền trả nợ vay cá nhân, Như thông qua Võ Anh Tuấn (Nguyên phó giám đốc Vietinbank CN Nhà Bè) thỏa thuận với đại diện Navibank là Đoàn Đăng Luật về việc Navibank gửi tiền vào Vietinbank CN Nhà Bè để lấy lãi suất cao, riêng lãi ngoài hợp đồng sẽ trả trước cho Navibank ngay sau khi Navibank gửi tiền vào Vietinbank CN Nhà Bè mà không cần đợi đến hạn tất toán hợp đồng tiền gửi.
Với vai trò là Tổng giám đốc Navibank, Lê Quang Trí đã giao cho Nguyễn Giang Nam tổ chức thực hiện, sau đó Nam giao cho Luật và các bị cáo khác thực hiện việc gửi tiền vào Vietinbank CN Nhà Bè hưởng lãi suất cao thông qua 14 nhân viên Navibank.
14 nhân viên này đứng tên trên các thủ tục pháp lý đều biết đây là chủ trương của lãnh đạo Navibank nên tự nguyện thực hiện mà không hưởng lợi gì.
10 bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Tại tòa, các bị cáo cho rằng pháp luật không cấm việc Navibank cho nhân viên vay tiền gửi sang Vietinbank, các bị cáo không vi phạm thông tư số 02 của ngân hàng Nhà nước về lãi suất vượt trần.
Bên cạnh đó, việc Navibank cho nhân viên vay tiền với tài sản đảm bảo là tiền gửi tại Vietinbank, đây là hợp đồng vay cầm cố tài sản hình thành trong tương lai và đây không phải là nguyên nhân làm mất tiền.
Theo đại điện Viện KSND TP.HCM lời khai của các bị cáo không phù hợp với tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra, không phù hợp với lời khai tại phiên toà, không phù hợp với lời khai của đại diện Vietinbank, lời khai của các bị án Huyền Như và Võ Anh Tuấn, không phù hợp với bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM.
Muốn hưởng lãi suất cao hơn thị trường, lãi ngoài hợp đồng, các bị cáo này đã không gửi tiền theo hình thức liên ngân hàng mà để cho các nhân viên của mình gửi tiền vào Vietinbank. Số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt ngay sau đó.
Hành vi của các bị cáo đã vi phạm thông tư 02, vi phạm quyết định số 1627 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Trong đó, bị cáo Trí là người quyết định gửi tiền vào Vietinbank để lấy lãi suất vượt trần nên có mức án cao hơn các bị cáo khác.
Bị cáo Luật thoả thuận trực tiếp với Võ Anh Tuấn, bị cáo Giang Nam tổ chức thực hiện, Các bị cáo khác thống nhất chủ trương gửi tiền vào Vietinbank và chỉ đạo nhân viên thực hiện.
Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền có vai trò hạn chế hơn, lẽ ra được hưởng mức án thấp hơn các bị cáo nhưng trong quá trình điều tra không tỏ ra ăn năn hối cải nên không được giảm án.
Từ đó, Đại diện Viện KSND TP.HCM đã đề nghị mức án với 10 bị cáo như sau
Lê Quang Trí (Nguyên Tổng giám đốc, nguyên thành viên hội đồng Alco, Nguyên thành viên hội đồng tính dụng Navibank): từ 14-15 năm tù.
Các bị cáo Đoàn Đăng Luật (Nguyên trưởng phòng nguồn vốn), Nguyễn Giang Nam (Nguyên phó tổng giám đốc), Huỳnh Vĩnh Phát (Nguyên trưởng phòng kế toán), Trần Thanh Bình (Nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp): từ 12-13 năm tù.
Các bị cáo Cao Kim Sơn Cương (Nguyên phó tổng giám đốc), Nguyễn Hồng Sơn (Nguyên Phó tổng giám đốc): từ 10-11 năm tù.
Đinh Thị Đoan Trang: từ 9-10 năm tù.
Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền: từ 8-9 năm tù.
Cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng Navibank để nhân viên gửi tiền vào Vietibank thu lợi bất chính hơn 24 tỉ đồng nên Navibank phải nộp lại số tiền này cho ngân sách Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận