Các bị cáo nghe đại diện VKS luận tội - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Sau hơn hai ngày xét hỏi, cuối buổi sáng 27-6, phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm bước vào phần tranh luận.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã có phần luận tội đối với các bị cáo. Theo đó, Viện kiểm sát cho rằng việc truy tố các bị cáo tội thiếu trách nhiệm là có căn cứ, đúng pháp luật và đúng người đúng tội.
Ông Bình không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ
Theo VKS, ông Đặng Thanh Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín do chính NHNN đã trình Thủ tướng chính phủ.
Ông Bình không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý điều hành, sử dụng ngân hàng như một công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của bị cáo Đặng Thanh Bình, theo VKS, là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, để Phạm Công Danh có điều kiện thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trên 15.000 tỉ đồng; làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính,tín dụng quốc gia.
Hành vi của bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ.Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa trong những ngày qua, bị cáo Đặng Thanh Bình không thừa nhận hành vi phạm tội mà chỉ nhận để xảy ra hậu quả nêu trên bị cáo thấy chưa làm tròn trách nhiệm.
Xét tính chất và hành vi, vai trò của từng bị cáo trong vụ án cho thấy bị cáo Đặng Thanh Bình có trách nhiệm cao nhất, lẽ ra, phải xử lý ở mức hình phạt cao nhất ở khung hình phạt đã truy tố là 12 năm tù.
Tuy nhiên xét thấy bị cáo có quá trình cống hiến lâu dài, có nhiều thành tích trong công tác và được tặng thưởng nhiều huân huy chương, bằng khen.. và gia đình của bị cáo có công với đất nước nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo chưa làm hết trách nhiệm
Tại phiên tòa, bị cáo Hà Tấn Phước luôn kêu oan và không nhận trách nhiệm gây thiệt hại số tiền 3.454 tỉ đồng vì cho rằng mình đã thực hiện hết trách nhiệm khi làm tổ trưởng tổ giám sát của NHNN tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Ông Phước chỉ cho rằng mình có phần trách nhiệm khi không quyết liệt.
Bị cáo Phạm Thế Tuân, thành viên tổ giám sát luôn thừa nhận trách nhiệm do hành vi của mình gây ra khi gây thiệt hại số tiền 3.454 tỉ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng nếu làm hết trách nhiệm của các thành viên tổ giám sát, các bị cáo Phước và Tuân đã yêu cầu ngừng ngay các hành vi vi phạm của các lãnh đạo VNCB.
Với quyền hạn không hạn chế của mình thì các bị cáo có thể tìm ra đường đi của các khoản tiền có đúng pháp luật không.
Nếu các bị cáo làm hết trách nhiệm, tiền của VNCB không thể bị Phạm Công Danh sử dụng sai. Nếu các bị cáo thực hiện đúng trách nhiệm thì không gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho VNCB như cáo trạng đã nêu.
Bị cáo Lê Văn Thanh, tổ trưởng tổ giám sát, cũng khẳng định mình làm đúng trách nhiệm được giao nhưng tại tòa ông Thanh thừa nhận để xảy ra hậu quả thiệt hại đến 6.591 tỉ đồng là do có 1 phần thiếu trách nhiệm quyết liệt của bị cáo. Lời kêu oan của bị cáo là không có cơ sở.
Đối với bị cáo Ngô Văn Thanh, thành viên tổ giám sát, bị cáo buộc gây thiệt hại liên quan đến số tiền hơn 10.000 tỉ đồng, quá trình điều tra và truy tố ông Thanh luôn cho rằng việc đề xuất gửi tiền liên ngân hàng tại 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank là đúng trách nhiệm. Tuy nhiên, tại phiên tòa ông Thanh thừa nhận mình chưa làm hết trách nhiệm.
Đại diện Viện kiểm sát đọc luận tội - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Theo Viện kiểm sát, các bị cáo đã buông lỏng quản lý để Phạm Công Danh rút hàng ngàn tỉ đồng để phục vụ mục đích cá nhân.
Các bị cáo đều thừa nhận việc làm trái của Phạm Công Danh là có trách nhiệm của bị cáo. Khi phát hiện sai phạm các bị cáo đều có báo cáo với cấp trên. Tuy nhiên cấp trên không có chỉ đạo để ngăn chặn sai phạm của lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng.
Các bị cáo đều cho rằng Phạm Công Danh và các đồng phạm của Danh luôn tìm cách né tránh tổ giám sát để thực hiện hành vi sai phạm.
Đại diện Viện kiểm sát ghi nhận các bị cáo cũng đều có nhiều thành tích.
Trên cơ sở đánh giá phân tích chứng cứ và thái độ khai báo của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Đặng Thanh Bình từ 4 đến 5 năm tù.
Mức án đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo còn lại: Hà Tấn Phước và Phạm Thế Tuân 30 đến 36 tháng tù, Lê Văn Thanh 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Thanh 24 đến 30 tháng tù.
VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự cho tất cả các bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân liên quan thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận