22/01/2018 07:59 GMT+7

Đề nghị phạt bị cáo Trầm Bê 5-6 năm, Phạm Công Danh 20 năm tù

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án 5-6 năm tù với ông Trầm Bê, 20 năm tù với Phạm Công Danh, kiến nghị xử lý một số cá nhân tại 4 ngân hàng VNCB, TPBank, BIDV và Sacombank về khoản thất thoát 6.000 tỉ đồng.

Đề nghị phạt bị cáo Trầm Bê 5-6 năm, Phạm Công Danh 20 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Trầm Bê (trái) và Phạm Công Danh tại phiên tòa

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên bị cáo cho rằng áp lực từ việc tăng vốn điều lệ, chi trả chăm sóc khách hàng nên mới phải vay tiền. 

Tuy nhiên, đại diện Việt kiểm sát nhận định số tiền hơn 6.000 tỉ đồng thất thoát là số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn chưa thể thu hồi cho Ngân hàng Xây Dựng. 

Hiện nay VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại, có 100% vốn Nhà nước, đổi tên lại thành CBBank.

Đại diện VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng với Phạm Công Danh và cần xử phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt.

Mức án cụ thể như sau:

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) 20 năm tù. Cộng với bản án tổng hợp 30 năm tù Danh bị tuyên trong giai đoạn 1 của vụ án. 

Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.

Bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank) từ 5-6 năm tù.

Phan Thành Mai, (nguyên Tổng giám đốc VNCB) từ 13-15 năm tù.

Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) từ 11 đến 13 năm tù.

Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) từ 4-5 năm tù.

Với các bị cáo là lãnh đạo TPBank, đại diện Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank) từ 6-7 năm tù. 

Trong khi đó bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng TPBank) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.

Với các bị cáo thuộc ngân hàng BIDV, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định, nay là BIDV chi nhánh Tây Đô) 3 năm tù cho hưởng án treo. 

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 1, BIDV Chi nhánh Gia Định) bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù, đề nghị cho hưởng án treo.

Các bị cáo còn lại được tuyên cải tạo không giam giữ, từ 2-3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 4-5 năm tù.

Về nghĩa vụ dân sự trong vụ án, đại diện VKS cho biết quá trình điều tra, Viện KSND tối cao đã đề nghị thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank để trả lại cho VNCB. 

Tại cáo trạng, Viện KSND tối cao cũng tiếp tục đề nghị HĐXX làm rõ các vấn đề này.

Đại diện Viện KSND TP. HCM giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên thu hồi số tiền hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng nêu trên để trả lại cho VNCB.

Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên buộc Phạm Công Danh và các bị cáo khác liên đới bồi thường hơn 6.000 tỉ đồng cho VNCB. 

Riêng bị Nguyễn Việt Hà (Giám đốc công ty Quỹ Lộc Việt) phải nộp lại 69 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, đại diện VKS nhận định nếu không có hành vi sai phạm của một số cá nhân tại 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank thì Phạm Công Danh không thể vay tiền tại các ngân hàng này, gây thất thoát cho VNCB. 

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao xử lý theo quy định đối với một số cá nhân tại 4 ngân hàng VNCB, TPBank, BIDV và Sacombank.

Bị cáo Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương

Theo đại diện Viện kiểm sát, thời gian qua tại TP.HCM có nhiều vụ án về ngân hàng xảy ra, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, gây ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân. 

Vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm là một ví dụ điển hình, vì vậy đại diện Viện kiểm sát cho rằng cần xử lý nghiêm minh.

Kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa những ngày qua đã làm rõ từ khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này ngày càng làm ăn thua lỗ, sau đó, Ngân hàng Nhà Nước đã phải đặt ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Đại diện Viện kiểm sát nhận định với nhiều thủ đoạn tinh vi, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã giúp Phạm Công Danh rút hơn 6.000 tỉ đồng của VNCB gửi vào 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank để đảm bảo cho 29 lượt công ty của Danh vay số tiển trên.

Số tiền vay được được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, sau đó được chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng, gây thất thoát cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.

Tại ngân hàng Sacombank, Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc) đã tin tưởng và chấp nhận ý kiến chỉ đạo của Trầm Bê, cho Phạm Công Danh vay 1.700 tỉ đồng dù biết ông này là Chủ tịch của VNCB.

Khi hết hạn cho vay, Sacombank tự động trừ nợ số tiền 1.700 tỉ đồng trên tài khoản của VNCB gửi tại Sacombank, gây thất thoát cho VNCB số tiền 1.700 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Trầm Bê khai theo nhận thức của bị cáo thì ông Danh có thể vay tiền tại Sacombank với điều khiện có tài sản đảm bảo. 

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Trầm Bê nhận thức chưa đúng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. 

Sacombank không thẩm định kỹ khách hàng vay, không thẩm định phương án kinh doanh, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt cho Phạm Công Danh vay tiền, tạo điều kiện cho Danh sử dụng trái phép số tiền vay được. 

VKS nhận định các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang bị truy tố với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Theo Viện kiểm sát, trong vụ án này, Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới tại VNCB tùy vị trí vai trò để câu kết với nhau, móc nối với các ngân hàng khác để vay tiền rồi chiếm đoạt.

Trong những ngày xét xử vừa qua, hội đồng xét xử (HĐXX) và các luật sư đã xét hỏi nhiều vấn đề nhằm làm rõ các hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và 45 bị cáo cùng vụ án.

Cáo trạng thể hiện năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền nhưng không thể vay trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và tập đoàn Thiên Thanh (do Danh sáng lập), sử dụng 29 lượt pháp nhân công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV.

Phạm Công Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay.

Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng.

Toàn bộ số tiền vay được từ 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng vào các mục đích của Danh.

Do các công ty lập hợp đồng vay khống, không thực hiện phương án kinh doanh như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có khả năng trả nợ.

Ngân hàng VNCB bảo lãnh cho các công ty nhưng không yêu cầu các công ty cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bão lãnh. Từ đó VNCB bị thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.

Ông Trần Bắc Hà nộp hồ sơ chứng minh đi Singapore chữa bệnh Ông Trần Bắc Hà đang ở Việt Nam hay qua Singapore chữa bệnh? Ông Trần Bắc Hà khai gì trong đại án Phạm Công Danh?


TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp