30/10/2010 07:22 GMT+7

Đề nghị làm rõ trách nhiệm vụ cháu bé 4 tuổi bị thang máy cuốn

VÕ HƯƠNG - LƯU TRANG
VÕ HƯƠNG - LƯU TRANG

TT - Chiều 29-10, bà Dư Thị Thanh Thúy cho biết bà đã chính thức gửi đơn đề nghị Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) và các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ trách nhiệm của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ và nhóm trẻ tư thục Hoa Lan (162A Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) trong vụ cháu Lê Quang Vinh (4 tuổi, con bà Thúy) bị thang máy vận chuyển thức ăn của trường cuốn tróc da đầu (Tuổi Trẻ ngày 22-9).

Sgr7BKk5.jpgPhóng to

Bé Vinh, 4 tuổi, bị tai nạn tróc da đầu, gãy xương và tổn thương phổi - Ảnh do gia đình cung cấp

tUZzSPkj.jpgPhóng to

Bé Lê Quang Vinh, 4 tuổi, được điều trị theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh do gia đình cung cấp

Bà Thúy kể: “Tôi làm việc tại Bệnh viện Phú Thọ. Trưa 17-9 tôi phát hiện con tôi bị nạn được đưa vào bệnh viện trong tình trạng toàn thân bê bết máu... Thế nhưng cô giáo Nữ đã không cho gia đình và bác sĩ biết đúng nguyên nhân bé bị tai nạn để dễ bề cứu chữa. Khi bác sĩ không đồng ý với nguyên nhân bé bị té cầu thang, cô giáo mới cho bác sĩ biết là bé bị thang máy cuốn”.

Trong bản tường trình được viết lúc 21g ngày 22-9 (sau khi Tuổi Trẻ đưa tin), cô Trần Thị Xuân Nữ đã thừa nhận: “Tôi chỉ muốn làm cho bé sợ. Lúc bé không ăn, nhả ra nên tôi đã bế bé bỏ vào thang máy, đóng cửa lại rồi nhấn nút”.

Theo giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Chợ Rẫy, bé Lê Quang Vinh bị chấn thương đầu, xuất huyết vùng cổ và mặt, bầm tím mặt, hai mắt, xuất huyết kết mạc, nề mi; vết thương lóc da thái dương đỉnh trái 15cm, lộ sọ; vết thương vùng chẩm khoảng 5cm, sưng tụ khí mô mềm; chấn thương ngực, bụng; sưng vai trái, vết thương nông ngực trái khoảng 3cm, bầm xuất huyết cổ ngực; tổn thương dạng phế nang thùy hai phổi; gãy 1/3 xương đòn trái, vết thương phần mềm khoảng 1cm x 1cm ở vùng tầng sinh môn; hai vết thương cánh tay phía trước trong kéo dài ra sau nham nhở; sây sát da hai tay và đùi phải...

“Cả tháng nay con tôi phải qua các lần mổ cắt lọc da đầu, cắt lọc vết thương tay đau đớn, kháng sinh mạnh liên tục truyền vào người khiến người bé nóng ran, bé gào khóc hoảng loạn cả tháng trời, gia đình thức trắng đêm vì con. Nhưng cháu bị chấn thương tâm hồn quá nặng, sợ tiếp xúc với tất cả người lạ, không chịu về lại nhà mình vì nhà gần trường học” - bà Thúy bức xúc.

Chiều cùng ngày, nhóm trẻ tư thục Hoa Lan thông báo đến phụ huynh về việc UBND P.Tân Quý đã có quyết định đình chỉ hoạt động của nhóm trẻ này từ ngày 1 đến 21-11-2010, đồng thời dán danh sách các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình có thể tiếp nhận 160 học sinh của nhóm trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Chung Bích Phượng, phó Phòng giáo dục Tân Phú, cho biết: “Khi xảy ra vụ việc, nhóm trẻ đã không chủ động báo cáo sự việc với phòng giáo dục. Chỉ khi có phóng viên đến làm việc, chủ nhóm trẻ mới báo lên phòng”.

Nhóm giữ trẻ cũng có trách nhiệm

Có thể khẳng định việc cô Trần Thị Xuân Nữ đưa ra lý do hù dọa để ngụy biện cho hành vi của mình là hoàn toàn không có ý nghĩa. Cô phải biết khi bỏ một đứa trẻ với khả năng nhận thức chưa đầy đủ vào thang máy, đặc biệt là thang máy vận chuyển thức ăn, sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe và tinh thần cho đứa trẻ ấy.

Từ hành vi của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, bên cạnh việc cô giáo này có khả năng phải gánh chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự của nhà trường cũng được đặt ra.

Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo quyết định số 41/2008/QĐ/BGDĐT ngày 25-7-2008 của bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo, nhóm trẻ tư thục không phải là pháp nhân nên sẽ áp dụng điều 622 Bộ luật dân sự làm căn cứ để yêu cầu bồi thường.

Điều 622 Bộ luật dân sự quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Hành vi gây thương tích cho bé Lê Quang Vinh phát sinh trong quá trình cô giáo này thực hiện công việc do nhà trường giao nên nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và tổn thất về tinh thần của bé.

Trong trường hợp có căn cứ xác định lỗi của cô giáo, nhà trường có quyền yêu cầu cô hoàn trả căn cứ vào điều luật nêu trên.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM

VÕ HƯƠNG - LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp