Diện tích khai thác của Alumin rất lớn nên sau hoàn thổ sẽ là nơi để phát triển cây trồng rất tiềm năng - Ảnh: TRUNG TÂN
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ông Lê Minh Chuẩn, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) cho biết dự báo trong năm 2019 sản lượng Alumin Nhân Cơ sẽ vượt công suất thiết kế, đạt 670.000 tấn/năm.
Cũng theo ông Chuẩn, hiện nay việc đn bù, giải tỏa đất để lấy diện tích làm công trường khai thác quặng khá thuận lợi với nhu cầu từ 30-40ha/năm. "Trong toàn chu kỳ của dự án sẽ cần 3.000ha đất để khai thác quặng", ông Chuẩn thông tin.
Theo đó, sau khi khai thác và tuyển quặng thô, diện tích đất này sẽ được hoàn thổ và đang thử nghiệm trồng cây keo. Tuy nhiên, Công ty nhôm Đắk Nông (quản lý dự án Alumin Nhân Cơ) chưa được phê duyệt cho hoạt động đa ngành nên cũng đang gặp vướng mắc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra nhà máy Alumin tại phân xưởng hoàn thiện - Ảnh: TRUNG TÂN
Tại buổi làm việc, cũng có doanh nghiệp cho rằng diện tích đất hoàn thổ của dự án Alumin trồng cây keo không hiệu quả nên xin phát triển điện năng lượng tái tạo để phát huy hiệu quả kinh tế.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bốn, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định không đồng ý việc phát triển điện năng lượng tái tạo trên khu vực đất hoàn thổ bởi diện tích này là đất đỏ bazan rất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng.
Tỉnh đề nghị phát triển điện năng lượng mặt trời ở những nơi có đất đai bạc màu, khí hậu nóng như thiêu đốt ở Cư Jut, Krông Nô - nơi không phát triển được nông nghiệp.
"Tại diện tích đất hoàn thổ, tỉnh đang có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sẽ có đánh giá để trình trung ương xem xét", ông Bốn nói.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuần Anh cho biết ủng hộ chủ trương của tỉnh bởi đây là việc liên quan đến an sinh, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của ngành nên không đi sâu mà đề nghị TKV cùng địa phương tính toán, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
"Trong báo cáo với Chính phủ, Bộ Chính trị về các dự án bôxit, Bộ Công thương cũng sẽ nêu câu chuyện này", bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Sáng cùng ngày, có mặt tại dự án điện phân nhôm, ông Trần Tuấn Anh cho biết việc doanh nghiệp, địa phương mạnh dạn đầu tư trước dự án ngàn tỉ để đón đầu sự phát triển của nền công nghiệp bôxit là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, chủ trương của Bộ Chính trị là phát triển các công nghiệp phụ trợ sau năm 2020. Tới đây, Bộ Công thương cũng chủ trì lập báo cáo hiệu quả kinh tế tổng thể của dự án Alumin, trong đó sẽ nhắc tới việc đi trước đón đầu của dự án này để Bộ Chính trị, Chính phủ có định hướng.
Các dự án bôxit đều có lãi
Theo TKV, đến nay cả hai dự án bôxit đã có lãi và mong muốn được báo cáo hiệu quả cho Bộ Chính trị trước năm 2020 để triển khai các dự án tiếp theo trong chuỗi công nghiệp nhôm.
Cụ thể, đến nay cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều đã vượt công suất thiết kế (650.000 tấn/năm/nhà máy). Doanh thu đến năm 2018 của Nhân Cơ là 6.313 tỉ đồng, Tân Rai là 21.791 tỉ đồng; tổng số tiền nộp ngân sách trung ương và địa phương hơn 4.500 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận