Theo đó, sở đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng đình chỉ hoạt động chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh với nước ngoài của hai cơ sở này.
Trước đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp điều tra hoạt động của hai cơ sở trên. Qua điều tra cho thấy cả IMPAC và IFA chưa xin phép UBND TP Đà Nẵng khi tiến hành việc chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quốc tế. Nghiêm trọng hơn, cả hai đều không có chức năng chiêu sinh, liên kết đào tạo thạc sĩ quốc tế. Riêng văn phòng IFA là đơn vị đại diện, không có chức năng tuyển sinh. Hiện IMPAC có 26 học viên theo học thạc sĩ, IFA có sáu học viên.
IMPAC được Sở KH-ĐT Đà Nẵng cấp phép đào tạo một số chương trình ngắn hạn. Thế nhưng, tháng 1-2011, IMPAC ký hợp đồng với Công ty CP đào tạo và thương mại Sao Việt để tuyển sinh thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế. Tiếp đó, Công ty Sao Việt lại phối hợp cùng ĐH Thái Nguyên và để ĐH Thái Nguyên liên kết với một trường ĐH của Pháp để đào tạo. Mức học phí khoảng 7.000 USD/khóa học.
Trên trang web của mình, IMPAC có giới thiệu nội dung chương trình đào tạo quốc tế, trong đó có đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ kinh doanh. Tuy nhiên, cả hai mục này hiện đã bị khóa lại. Khi được hỏi về việc giải quyết quyền lợi cho các học viên ra sao sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hữu Lộc - phó giám đốc Công ty IMPAC - đã không trả lời.
Còn văn phòng của IFA tại Đà Nẵng được cấp phép hoạt động năm 2007 với các hoạt động về nghiên cứu, tư vấn giáo dục... Đến tháng 9-2011, đơn vị này phối hợp cùng ĐH Ballarat (Úc) chiêu sinh thạc sĩ quản trị kinh doanh. Học phí 5.900 USD, hình thức học trực tuyến và tự học. Lẽ ra việc tiến hành đào tạo sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Mừng - đại diện IFA Đà Nẵng, do việc tuyển sinh không đạt (chỉ có sáu học viên) nên tất cả được gửi vào TP.HCM để học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận