27/06/2014 20:35 GMT+7

Đề nghị Chính phủ tiết kiệm để lo cho quốc phòng và hậu phương

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Ngày 27-6, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị 1) tiếp xúc cử tri hai quận 3 và 4 sau khi bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

dsk07TOB.jpg
Đại biểu Hoàng Hữu Phước báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, quốc hội khóa VIII tại điểm tiếp xúc cử tri Q4, TP.HCM chiều 27-6. - Ảnh: TTD
7hNKZSDs.jpg
Cử tri Phùng Thanh Bình ( phường 8) đặt câu hỏi về cải thiện chất lương giáo dục tại buổi đoàn đại biểu QH tiếp xúc cử tri Q4 chiều 27-6. - Ảnh: TTD

Mối quan tâm hàng đầu của nhiều cử tri là tiếp tục gay gắt lên án Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cùng với nhiều hành vi hung bạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bà Dương Thị Kim Dung (cử tri Q.3) nói hiện nay từng ngày từng giờ, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang ngược hơn, họ âm mưu thôn tính chiếm đoạt biển Đông một cách trái phép. Điều này làm cho người dân hết sức bức xúc. Bà Dung hỏi Nhà nước ta sẽ có kế hoạch gì, cách giải quyết ra sao trước sự xâm chiếm lãnh hải của nước ta ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, bà Phan Bạch Tuyết (cử tri Q.4) đếm từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển của nước ta đến nay đã gần 60 ngày. Lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân của nước ta rất kiên cường trước sự hung hãn, ngang tàng của phía Trung Quốc. Việt Nam đã có những biện pháp đấu tranh hòa bình, còn phía Trung Quốc vẫn bịt tai, ngày càng hung hãn, tàn độc… Điều đó chứng tỏ Trung Quốc không nghe Việt Nam nói, không nghe thế giới nói mà họ cứ hành động ngang tàng, không chút lương tri, tình người.

Theo bà Tuyết, với những gì đã diễn ra, “tôi nghĩ rằng trong thời gian gần đây họ sẽ đem thêm giàn khoan, tàu bè, máy bay vào vùng biển của nước ta và lúc đó họ sẽ ngang ngược nói rằng bầu trời này, mặt biển này là của họ. Họ đặt chúng ta vào sự đã rồi”.

Bà Tuyết hỏi trong tình huống này, Việt Nam sẽ làm sao trong khi chúng ta luôn lấy hòa bình để đối xử với một láng giềng đầy tham vọng xâm chiếm biển đảo của nước ta. Vậy chúng ta phải làm gì trong lúc này?

Bà Tuyết xúc động nói rằng khi đặt ra câu hỏi này, “Tôi cũng hiểu rằng đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn với một láng giềng quá đông dân lại luôn đầy tham vọng xấu xa” và Việt Nam cũng đang tận dụng tối đa con đường ngoại giao để đấu tranh.

Nhưng bà Tuyết cho rằng nếu tình hình này kéo dài, thì Trung Quốc càng lấn tới, vậy biện pháp nào là phù hợp?

Bà Tuyết đề nghị với tình hình nói trên, Chính phủ cần điều hành đất nước bằng cách hết sức tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng vì sự lãng phí bao giờ cũng lớn hơn tiêu dùng hữu ích.

Bà Tuyết không bằng lòng với thực tế đất nước nghèo, phải đi vay nhưng vay rồi lại để thất thoát như thời gian qua là không được.

Với quyền của một cử tri, bà Tuyết đề nghị phải tiết kiệm để đầu tư cho quốc phòng, cho chính sách hậu phương, cho ngư dân, “bởi ngư dân thực sự là người lính không mang súng”.

Cũng theo bà Tuyết, tiết kiệm để làm tốt hơn chính sách an sinh xã hội và chính sách này được thực hiện tốt, người dân mới tin tưởng vào sự lãnh đạo đất nước, trong khi lòng tin là một vũ khí sắc bén, nền tảng cho sự đoàn kết của toàn dân tộc.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến cử tri, một trong những khẳng định của đại biểu Trần Du Lịch là ý đồ của Trung Quốc đã quá rõ, họ muốn thôn tính biển Đông với đường lưỡi bò của họ. “Trong số 3.500.000 km2 của biển Đông thì họ muốn xơi 3 triệu km2, ai mà chịu được. Tham cỡ đó thì không còn gì để nói” - đại biểu Lịch bức xúc.

Theo đại biểu Lịch, vừa qua Trung Quốc dùng sức mạnh đè người và luôn luôn cài bẫy để Việt Nam sa vào bẫy nói nôm na là đánh nhau. Nếu chúng ta không kìm chế được là sa vào bẫy của Trung Quốc.

“Thưa bà con, Đảng, Nhà nước, Quốc hội… và tất cả uất ức này, chúng ta sôi sục trong tim nhưng cần một cái đầu lạnh để nghĩ giải pháp một cách chắc chắn, chứ không nôn nóng. Nếu nóng lên sẽ sa vào bẫy của Trung Quốc”.

Theo đại biểu Lịch, đấu tranh là phải kiên trì, tàu ta bị Trung Quốc đâm va hư hỏng và được đưa về sửa chữa, lại tiếp tục quay ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ của ta ở Hoàng Sa thực sự đang chiến đấu mặc dù không có tiếng súng và đấy là một cuộc chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Quốc hội đã quyết định khoảng ngân sách 16.000 tỉ đồng (hơn 750 triệu USD) để chi cho lực lượng cảnh sát biển, ngư dân…

Đại biểu Lịch cho rằng đấu tranh trên biển là mặt trận chính và không sợ Trung Quốc.

Đại biểu Trần Du Lịch nhắc lại lời khẳng định của Chủ tịch nước rằng chủ quyền là thiêng liêng, không có cái gì đổi được chủ quyền. Ông đồng tình quan điểm nhất quán phải đấu tranh kiên trì, bền bỉ.

“Cái gì Trung Quốc chiếm của ta, hôm nay chưa lấy lại được, thì ngày sau, năm sau…, thậm chí đời ta chưa lấy lại được thì đời con cháu phải lấy lại, không bao giờ từ bỏ” – đại biểu Lịch nhấn mạnh.

Đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại…, đại biểu Lịch khẳng định “hiện nay Việt Nam không lệ thuộc Trung Quốc đến mức độ khi họ cắt là chúng ta chết. Với tư cách một chuyên gia kinh tế, tôi khẳng định như thế”.

Đại biểu Lịch cũng cho biết Việt Nam không vay nợ của Trung Quốc nhiều, còn quan hệ thương mại, nếu Trung Quốc cắt thì họ cũng thiệt chứ không chỉ chúng ta thiệt.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp