Đề nghị được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải, vừa được công bố.
Xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe thi bằng lái "là không cần thiết"
Một trong những nội dung đáng chú ý của kết luận là cơ quan thanh tra chỉ ra bất cập trong quy định về hồ sơ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.
Theo kết luận, tại quy trình cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ có yêu cầu giấy khám sức khỏe của người lái xe, trong đó có chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở".
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.
"Việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe", Thanh tra Chính phủ phân tích.
Kết luận nêu báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam xác định từ năm 2021 - 2023, toàn ngành giao thông vận tải cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Nếu tính đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khoảng 350 tỉ đồng.
Từ những phân tích trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân.
Rà soát, xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp
Thanh tra cũng chỉ ra bất cập trong thông tư của Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu hồ sơ học lái xe mô tô hạng A1, A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Cơ quan thanh tra cho rằng quy định trên làm phát sinh thêm yêu cầu đối với thủ tục hành chính và vi phạm một số quy định liên quan.
Theo đề nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), từ tháng 3-2024, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư bãi bỏ nội dung nêu trên.
Qua kiểm tra xác suất một số hồ sơ tại Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan thanh tra nhận thấy các đơn vị nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân và xem xét hồ sơ nhưng sau nhiều ngày mới làm thủ tục tiếp nhận, chậm cập nhật thông tin lên hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Kết luận nêu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ về thỏa thuận nội dung liên quan đến đường thủy nội địa của một số tổ chức, cá nhân, trong đó có thông tin, số liệu chưa rõ nhưng công chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân, tổ chức làm rõ trước khi cấp thỏa thuận.
Cục Hàng hải Việt Nam nhận hồ sơ trực tiếp của một công ty nhưng sau 10 tháng mới làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ. Trong thời gian chưa tiếp nhận hồ sơ, đơn vị này tiến hành khảo sát, xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, nhưng không lập thành hồ sơ, lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định…
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm nêu tại kết luận.
Trong đó tập trung kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc tham mưu, ban hành thêm thủ tục hành chính không được giao nhiệm vụ trong luật; xây dựng, ban hành, công bố một số thủ tục hành chính có nội dung gây phiền hà, bất tiện tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Quá trình thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát, kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận