Ủy ban này cho rằng tuy đạt mục tiêu đề ra cho năm 2012 nhưng “đây chỉ mới là kết quả bước đầu”. Tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn ở mức cao, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây bức xúc dư luận... Theo ủy ban, tính bền vững trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian tới vẫn là thách thức lớn.
Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với Chính phủ năm 2013 tiếp tục giữ chỉ tiêu giảm số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương 5-10%. Ủy ban này kiến nghị phải xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất tình trạng hành chính hóa việc xử lý các vụ án tai nạn giao thông.
Trong khi đó, Ủy ban Pháp luật cũng đưa ra nhiều kiến nghị sau giám sát. Theo đó, cần sửa đổi các quy định của pháp luật về tạm giữ, tịch thu xe vi phạm pháp luật và trình tự, thủ tục tịch thu, bán đấu giá các xe vi phạm để sớm giải quyết tình trạng tồn đọng hàng vạn môtô, xe máy và nhiều giấy tờ bị tạm giữ. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện và chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế...
Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính nói chung cũng như ở lĩnh vực giao thông nói riêng không phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, toàn bộ tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính được giữ lại 100% cho ngân sách địa phương, trong đó trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (tỉ lệ cao nhất) và phần còn lại trích cho nhiều lực lượng khác như thanh tra giao thông, trạm cân xe, cảng vụ đường thủy nội địa...
Báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật nêu rõ pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng. Nhưng Chính phủ lại quy định việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm hành chính...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận