15/11/2014 09:01 GMT+7

​Đề nghị Bộ Giao thông vận tải “mở đường máu”

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Đó là đề xuất của doanh nghiệp tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT về điều chỉnh tải trọng xe.

Xe của doanh nghiệp vận tải Sơn Lâm nằm tại bãi do vướng quy định về quá tải - Ảnh: Đ.Nam

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng trong buổi tiếp xúc với đoàn công tác của Bộ GTVT được tổ chức ngày 14-11.

Trước đó, các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng cũng đã làm đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phản ảnh về chủ trương điều chỉnh tải trọng cho phép tham gia giao thông mà bộ này ban hành sáu tháng trước đó.

Theo các doanh nghiệp, việc điều chỉnh tải trọng khiến hàng nghìn xe tải “đứng bánh”.

Nguy cơ phá sản hàng loạt

Ông Bùi Ngọc Dũng (chủ doanh nghiệp vận tải Sơn Lâm) xót xa nói từ sau ngày 10-4-2014 (thời điểm công văn 3915 do Bộ GTVT ban hành về xác định ôtô và đoàn xe chở quá trọng tải cho phép) có hiệu lực thì cả đoàn xe hơn 10 chiếc của ông gần như nằm “liệt” trong bãi: “Mỗi chiếc xe tải thân liền loại ba trục có giá không dưới 1 tỉ đồng.

Tất cả mới mua về chạy chưa đến ba năm, nhiều hồ sơ trong số xe đó còn nằm ở ngân hàng. Vậy mà giờ nằm chịu “chết” không biết sao để gỡ ra”.

Cùng tâm trạng như ông Dũng, ông Nguyễn Phước Hanh (chủ doanh nghiệp vận tải Phước Thiện) cũng cho biết có 15 chiếc nằm “phơi” suốt hơn ba tháng trời ở bãi.

“Xe thì không chạy được trong khi hằng tháng phải trả lãi ngân hàng. Chưa kể tiền bến bãi và tiền nuôi tài xế, phí bảo hiểm, đường bộ...Giờ có bán xe cũng chẳng ai mua. Doanh nghiệp chịu hết nổi”.

Theo tìm hiểu, trước thời điểm 10-4-2014, toàn bộ ôtô tải thân liền (loại 3 và 4 trục) đều phải tuân theo quy định về tải trọng mà Bộ GTVT ban hành tại thông tư 07.

Theo thông tư này, đối với xe thân liền loại ba trục thì tổng tải trọng của xe phải bằng hoặc dưới 24 tấn, loại bốn trục bằng hoặc dưới 30 tấn.

Tổng trọng lượng của xe được xác định bằng tổng trọng lượng các trục xe, các xe nào chở trên 24 tấn (hoặc 30 tấn) nghĩa là quá tải, vi phạm an toàn giao thông.

Theo ông Lê Văn Ba (chủ doanh nghiệp vận tải Vân Ba): Sau khi thông tư 07 ra đời vào năm 2010, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng phải đi vay mượn, thậm chí thế chấp nhà cửa để mua các xe thân liền đúng như thông tư 07 quy định.

Xe chạy chưa được bao nhiêu thì ngày 10-4 Bộ GTVT lại có công văn số 3915 gửi các địa phương về việc xác định ôtô và đoàn xe chở quá tải trọng cho phép.

Theo đó, với xe thân liền (3 và 4 trục), trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông là tổng của tải trọng cộng với tải trọng vốn có của xe (với xe ba trục là 18 tấn, bốn trục là 26 tấn, các thông số này được ghi trong giấy đăng kiểm).

Ông Ba cho biết chính nội dung công văn 3915 làm thay đổi hoàn toàn nội dung thông tư 07.

“Nếu bây giờ xe chúng tôi lăn bánh ra đường mà trên 18 tấn (loại ba trục) chắc chắn sẽ bị phạt vì quá tải. Còn nếu dưới 18 tấn thì làm sao doanh nghiệp đủ chi phí để trang trải (trong 18 tấn chỉ có 7 tấn hàng, 11 tấn còn lại là xác xe), trong khi trước đó loại xe này được chở dưới 24 tấn.

Chính vì vậy, buộc lòng doanh nghiệp chúng tôi phải liều mạng chở quá tải, cho xe chạy vào ban đêm lúc các trạm cân nghỉ. Khi ấy các tài xế đua nhau cứ thế mà chạy cho kịp giao hàng... rất nguy hiểm, chúng tôi biết hết nhưng không còn cách nào khác” - ông Ba giải thích.

Đoàn xe của doanh nghiệp vận tải Sơn Lâm nằm bãi do vướng quy định về tải trọng - Ảnh: Đăng Nam

Doanh nghiệp bị lầm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - cho biết: “Thời gian qua, nhiều xe chở quá tải trọng dẫn đến đường sá, cầu cống hư hỏng nặng, nên Bộ GTVT mới siết lại tải trọng bằng cách buộc hạ tải.

Công văn 3915 là để hướng dẫn lực lượng thanh tra giao thông thực hiện đúng theo tinh thần của thông tư 07”.

Tiếp theo đó, một vài chuyên gia của Bộ GTVT cũng trình bày các quy định về tải trọng... nhưng cách giải thích của các thành viên trong đoàn không làm các doanh nghiệp hài lòng.

Ông Lê Văn Ba cho rằng: “Những năm qua, các doanh nghiệp vận tải chỉ mua xe về chạy đúng theo thông tư 07, bây giờ thay đổi chính sách, không lẽ bắt doanh nghiệp phải chịu. Nếu vậy doanh nghiệp thiệt hại rất nặng nề. Trong khi tải trọng của các xe không hề vi phạm tải trọng cầu đường”.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Dũng nói: “Nếu cách đây năm năm, Bộ GTVT quy định rõ rằng với xe ba trục chỉ chở được 18 tấn thì chúng tôi hà cớ gì phải đi mua hàng mấy chục chiếc về chạy? Bởi nếu chạy như vậy chắc chắn không có lãi, mua làm gì. Doanh nghiệp chúng tôi bị lầm”.

Từ thực tế đó, các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng tha thiết đề nghị Bộ GTVT “mở đường máu” cho doanh nghiệp bằng cách cho thực hiện việc cân tải trọng xe theo như thông tư 07, nếu không họ sẽ phá sản.

“Nếu đề nghị này được chấp thuận, phía doanh nghiệp chúng tôi không phải đi vay tiền để mua thêm xe về chạy, Nhà nước cũng đỡ mất công quản lý hàng nghìn xe tải Trung Quốc sắp tràn vào VN. Vậy là lợi cả đôi đường, sao Bộ GTVT không nghĩ đến?” - một chủ doanh nghiệp vận tải phân tích.

Kết thúc cuộc làm việc, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết rất chia sẻ tâm tư của các doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận các kiến nghị về báo cáo với bộ trưởng. Tuy nhiên theo ông Trí, trong năm 2015 Bộ GTVT vẫn tiếp tục siết chặt tải trọng trên đường.

Vô lý

Điều mà các doanh nghiệp vận tải bức xúc hơn là trong khi các đoàn xe của họ đang bị công văn 3915 giới hạn về tải trọng, không thể lăn bánh thì mới đây họ nhận được thông tin về việc Cục Đăng kiểm VN vừa cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cho dòng xe mang tên VIETTRUNG (do Công ty TNHH máy nông nghiệp Việt Trung ở Hải Dương lắp ráp).

“Chúng tôi tìm hiểu và thấy loại xe này hoàn toàn giống y như của chúng tôi từ cỡ lốp đến công suất máy...Tất cả đều nhập từ Trung Quốc về lắp ráp. Thế nhưng họ lại cho chở đến 24 tấn trong khi xe chúng tôi chỉ được 18 tấn?” - ông Lê Văn Ba nói.

Ngay sau khi có thông tin xe VIETTRUNG được cấp phép lưu thông đến 24 tấn, nhiều doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng phải ra tận Hải Dương tìm mua xe.

“Rất vô lý, trong khi xe của mình nằm đầy bãi, tiền ngân hàng chưa trả xong. Vậy mà giờ đây phải đi vay tiếp để mua xe mới về chạy vì nhiều đơn hàng đã ký với người ta, vi phạm là chết” - một chủ doanh nghiệp nhấn mạnh.

“Tôi chắc rằng trong vài tháng nữa, hàng chục nghìn xe Trung Quốc mà Công ty Việt Trung lắp ráp sẽ chạy tràn khắp nơi” - ông Lê Văn Ba khẳng định.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp