Đại diện Viện kiểm sát cấp cao giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Sau 3 ngày xét hỏi, sáng 8-3, phiên tòa phúc thẩm vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỉ do 2 cựu tướng Công an bảo kê chuyển sang phần tranh tụng với việc đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án.
Một bị cáo kêu oan
Đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa phúc thẩm, cho biết sau phiên sơ thẩm VKS tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Phạm tội có tổ chức" đối với 27 bị cáo phạm tội "Tổ chức đánh bạc" trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên.
Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "Tự nguyện khắc phục hậu quả" cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên. Không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội "Đánh bạc".
Sau phiên sơ thẩm có 36 bị cáo kháng cáo. Trong đó có 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo ngoài xã hội, 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Nguyễn Huy Tùng xin được áp dụng hình phạt tiền, bị cáo Lê Thị Lan Thanh, nguyên giám đốc công ty GTS kêu oan về tội "Tổ chức đánh bạc".
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh kêu oan tội tổ chức đánh bạc tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: THÂN HOÀNG
Tại tòa phúc thẩm, có một bị cáo xin rút kháng cáo, một số bị cáo thay đổi xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Bị cáo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC) xin được nộp tiền thay cho hình phạt tù về tội "Rửa tiền".
Căn cứ kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ, các lời khai tại phiên tòa và trong hồ sơ vụ án, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng đây là vụ án có quy mô rộng, mang tính phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước, trong đó có cả những bị cáo công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Số lượng bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm lên đến 92 bị cáo.
Sau khi có bản án sơ thẩm, các bị cáo đã kháng cáo và có liên quan đến kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ chủ yếu đối với tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc".
"Đối với các bị cáo bị xét xử về tội "Tổ chức đánh bạc", hành vi này là loại hình tổ chức đánh bạc công nghệ cao, phát triển mạng lưới quy mô rộng, mở các đại lý và lập các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu các hình thức đánh bạc, mua bán tiền ảo… Qua đó lôi kéo số lượng lớn tham gia đánh bạc, thu lời bất chính với số tiền đặc biệt lớn. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo về tội "Tổ chức đánh bạc" là có căn cứ, đúng pháp luật", đại diện Viện KSND cấp cao nhận định.
Đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho Phan Sào Nam
Đối với kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ, đại diện Viện KSND cấp cao tại tòa phúc thẩm cho rằng đây là vụ án có đồng phạm, mặc dù hành vi tổ chức đánh bạc của các bị cáo là tổ chức đánh bạc trực tuyến, sử dụng công nghệ cao, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, tiếp nhận ý chí, phân công cụ thể thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 48 BLHS quy định những tình tiết đã là yếu tố phạm tội và không được coi là tình tiết tăng nặng.
"Do đó, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với các bị cáo phạm tội này là chưa đúng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo", Viện KSND cấp cao nêu quan điểm.
Đại diện Viện KSND cấp cao tại tòa đề nghị chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho 16 bị cáo - Ảnh: THÂN HOÀNG
Về nội dung kháng nghị, không cho 36 bị cáo được hưởng tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả, Viện KSND cấp cao cho rằng các bị cáo được hưởng lợi từ hành vi tổ chức đánh bạc là rất lớn. Nhiều bị cáo đã tích cực nộp 1/2 số tiền thu lời bất chính, trong khi pháp luật chưa có chính sách rõ ràng về vấn đề này, nên theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ là khắc phục hậu quả là có căn cứ.
Liên quan đến việc tịch thu số tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo, những người này đều thừa nhận đã đánh bạc trong một thời gian dài. Tuy nhiên do các đối tượng vận hành game đánh bạc xóa dữ liệu khi cơ quan điều tra phát hiện nên không thu giữ được dữ liệu từ các máy chủ về số dư tài khoản của các đại lý, những người chơi bạc tại thời điểm game bài bị đánh sập và cũng không chứng minh được chính xác cuối cùng người chơi bạc thắng hay thua.
Ông "trùm" đường dây đánh bạc Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi đưa ra những phân tích trên, đại diện Viện KSND cấp cao nêu quan điểm kháng nghị của Viện trưởng VKS tỉnh Phú Thọ là có căn cứ. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa phúc thẩm đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, trong nội dung kháng nghị này bị cáo Phan Sào Nam - một trong hai ông "trùm" đường dây đánh bạc - nằm trong nhóm bị cáo được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự nguyện khắc phục hậu quả.
Kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ nêu ví dụ: bị cáo Nam đã tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỉ đồng tưởng ứng trên 90% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có phải khác với bị cáo Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỉ chỉ gần bằng 17% số tiền hưởng lợi bất chính thì mới đảm bảo sự phân hóa tội phạm trọng vụ án đặc thù này.
VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho cho 16 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của những người còn lại.
VKS cũng đề nghị giữ nguyên quyết định hình phạt bản án sơ thẩm và không chấp nhân kháng cáo của bị cáo Lê Thị Lan Thanh, nguyên giám đốc Công ty GTS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận