15/03/2021 20:02 GMT+7

'Để nghẽn lệnh chứng khoán, Bộ Tài chính phải xin lỗi nhà đầu tư'

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phải xin lỗi nhà đầu tư vì để hệ thống giao dịch của HOSE nghẽn lệnh hơn 3 tháng qua.

Để nghẽn lệnh chứng khoán, Bộ Tài chính phải xin lỗi nhà đầu tư - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch VAFI: "Chỉ thấy lãnh đạo Bộ Tài chính xuất hiện khi đánh cồng, còn khi hệ thống bị nghẽn không thấy ai xin lỗi" - Ảnh: L.THANH

Trước sự cố hệ thống giao dịch của HOSE bị nghẽn lệnh hơn 3 tháng nay, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 15-3, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đã đề nghị như trên.

Về tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán, ông Hải nhận định ban đầu các nhà đầu tư cũng nhìn nhận đây là sự cố không mong muốn. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, HOSE đang cố gắng khắc phục sự cố này. 

Tuy nhiên đã hơn 3 tháng qua, đại diện cơ quan quản lý chưa có một lời xin lỗi nhà đầu tư và đưa ra cam kết khi nào sẽ có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.

* Qua theo dõi, ông thấy các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới có xảy ra tình trạng tương tự như ở Việt Nam không? Cơ quan quản lý ứng xử như thế nào?

- Trên thế giới, sàn chứng khoán cũng bị nghẽn lệnh. Nhưng sự khác biệt là sự cố trên thị trường chứng khoán ở các nước chỉ xảy ra trong một vài phút, vài giờ, chứ không suốt hơn 3 tháng như ở Việt Nam. Mặt khác, khi thị trường xảy ra sự cố, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư, thậm chí có lãnh đạo bị cách chức.

Trong khi đó ở Việt Nam, nhà đầu tư chưa thấy ai, cơ quan nào đứng ra xin lỗi cả. Tôi cho rằng thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực chứng khoán nên đứng lên xin lỗi nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ nhìn thấy ông thứ trưởng lên đánh cồng thôi.

Về sự cố này, cả chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chủ tịch HOSE cũng phải đứng ra nhận lỗi về sự yếu kém trong quản lý của mình đã gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư.

* Nghẽn lệnh gây thiệt hại như thế nào cho nhà đầu tư?

- Nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn, không chỉ là tâm lý mà còn thiệt hại bằng tiền. Liên tục trong nhiều ngày, cứ đến chiều là hệ thống bị "đơ", tê liệt hoàn toàn. Nhà đầu tư không thể giao dịch được, thấy giá tốt muốn mua hoặc bán cũng không thể được. Có buổi sáng bán nhưng không biết có khớp lệnh được hay không.

Đối với nhiều công ty muốn niêm yết lên HOSE, ba tháng nay không niêm yết được. Do đó, quyền lợi của cổ đông các công ty này bị thiệt hại.

Khi hệ thống giao dịch hoạt động bình thường thì nhà đầu tư yên tâm đầu tư, nhưng khi hệ thống nghẽn lệnh thì họ phải phòng thủ, tìm cách bảo toàn vốn. Tuần trước, thị trường ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng hơn 10 phiên. Rõ ràng tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch HOSE đã ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin.

Để nghẽn lệnh chứng khoán, Bộ Tài chính phải xin lỗi nhà đầu tư - Ảnh 2.

Các nhà đầu tư bức xúc vì hệ thống giao dịch của HOSE thường xuyên bị "đơ" vào buổi chiều, khiến không thể giao dịch được - Ảnh: L.THANH

* Ông mong phải có người chịu trách nhiệm về tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE?

- Sự cố nghẽn lệnh thể hiện sự yếu kém của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Phía nhà đầu tư rất hoang mang.

Không phải chỉ xin lỗi là xong, mà điều quan trọng nhà đầu tư cần là giải pháp của cơ quan quản lý để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, không lặp lại tình trạng này nữa. Những giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn là gì cần phải được thông tin công khai, minh bạch ra thị trường.

* Tuần trước, Bộ Tài chính đã làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp xử lý triệt để nghẽn lệnh. Quan điểm của ông về động thái này?

- Đây chỉ là giải pháp tình thế. Để không lặp lại tình trạng này thì bài học xương máu rút ra khi hệ thống của Hàn Quốc vào vận hành, phải chọn công ty công nghệ trong nước là nhà thầu phụ bảo hành, sửa chữa hệ thống giao dịch. 

Nói tóm lại, sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam phải làm chủ được công nghệ vận hành hệ thống. Nếu HOSE không làm được thì phải thuê công ty công nghệ trong nước làm.

Với FPT, doanh nghiệp này có kinh nghiệm xây dựng và bảo trì hệ thống giao dịch cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc FPT tham gia xây dựng phần mềm hệ thống giao dịch của HOSE là hoàn toàn hợp lý và khả thi. Tình trạng rất cấp bách rồi.

Mặt khác, tôi cũng cho rằng khi hệ thống của Hàn Quốc đi vào vận hành thì hệ thống giao dịch mà FPT xây dựng sẽ giữ vị trí dự phòng, để đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành suôn sẻ và liên tục.

* Ông giải thích kỹ hơn ý đề xuất trong công văn vừa gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán là thuê người nước ngoài nắm giữ vị trí chủ chốt HOSE?

- So với các nước, thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ. Do đó, chúng ta cần thuê các nhân lực có kinh nghiệm quản lý sàn chứng khoán Hong Kong, Nhật Bản… vào quản lý sàn chứng khoán ở Việt Nam. Họ sẽ góp ý, xây dựng cách thức quản lý thị trường chứng khoán phát triển kịp với xu thế chung của khu vực và thế giới.

Chứng khoán nghẽn, phải có nơi chịu trách nhiệm Chứng khoán nghẽn, phải có nơi chịu trách nhiệm

TTO - Hàng trăm ngàn người đã mua những lô đất 100m2, nay nhà quản lý nói chỉ những lô từ 1.000m2 mới được mua bán, thế là những lô đất ấy trở thành đầu thừa đuôi thẹo, chịu mất giá.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp