06/09/2013 06:29 GMT+7

Để không phải ghép gan

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TT - ThS.BS Hồ Tấn Phát, phó khoa nội tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết hằng ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca mắc bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối bị biến chứng, cần được ghép gan.

GPxXW0Kg.jpgPhóng to
ThS.BS Hồ Tấn Phát, phó khoa nội tiêu hóa gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, khám cho bệnh nhân được chỉ định ghép gan - Ảnh: THANH ĐẠM

Tuy nhiên, việc phẫu thuật ghép gan rất khó khăn mà không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng như cần người hiến gan (người sống và phải là thân nhân của bệnh nhân hoặc người đã bị chết não), chi phí một ca ghép gan rất lớn (từ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng)...

Có nhiều loại bệnh cần ghép gan nhưng có thể chia thành ba nhóm chính như nhóm bệnh gan cấp tính, nhóm bệnh gan mãn tính và nhóm bệnh ác tính của gan.

Viêm gan cấp do thuốc

Bệnh gan cấp tính thường gặp nhiều nhất là các trường hợp viêm gan cấp. Viêm gan cấp có thể diễn tiến rất nhanh, dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan cấp và tử vong. Bệnh này có nguyên nhân từ thuốc, siêu vi hoặc do một số bệnh lý ít gặp hơn như bệnh viêm gan tự miễn, bệnh Wilson...

Riêng viêm gan cấp do thuốc thường gặp nhất là viêm gan cấp do uống paracetamol (đây là thuốc rất phổ biến và không cần kê toa), nếu bị viêm gan do uống thuốc này và diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.

"Ghép gan là biện pháp sau cùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ghép gan trên thế giới đã thực hiện hơn 30 năm nay nhưng tại Việt Nam mới tiến hành ghép gan trong những năm gần đây. Ở các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là bệnh viện đầu tiên ghép gan và đến nay mới phẫu thuật ghép gan cho ca thứ hai"

ThS.BS Hồ Tấn Phát

Tại khoa nội tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, viêm gan cấp do thuốc thường gặp nhất là do thuốc kháng lao, vì nước ta có tỉ lệ người mắc bệnh lao khá cao so với nhiều nước trên thế giới.

Bệnh nhân được cứu sống hay có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong tùy mức độ tổn thương của gan và thời điểm nhập viện. Viêm gan cấp tính còn có thể do nhiễm virút viêm gan B, virút viêm gan C, viêm gan tự miễn, bệnh Wilson (ứ đồng trong cơ thể)...

Xơ gan do rượu

Những bệnh nhân bị bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối không còn khả năng điều trị cần được tiến hành ghép gan. Các nguyên nhân của bệnh gan mãn tính thường gặp là do nhiễm virút viêm gan B, virút viêm gan C, viêm gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, bệnh lý ứ sắt trong gan, bệnh lý hẹp đường mật.

Đa số trường hợp viêm gan mãn tính ở giai đoạn đầu không có triệu chứng, còn khi xuất hiện những triệu chứng như bụng có nước, vàng da, vàng mắt... là đã tiến triển vào giai đoạn nặng. Do đó, bác sĩ Hồ Tấn Phát khẳng định bệnh viêm gan mãn tính chỉ được phát hiện sớm khi người bệnh khám sức khỏe định kỳ. Với những trường hợp bị nhiễm virút viêm gan B, C không có biểu hiện viêm gan thì có thể chưa cần điều trị mà chỉ theo dõi định kỳ, còn những trường hợp đã có tổn thương ở gan cần điều trị càng sớm càng tốt.

Một bệnh gan mãn tính khác cũng thường gặp là bệnh xơ gan do rượu. Đây là những bệnh nhân có tiền sử uống nhiều rượu, bia và uống liên tục trong thời gian dài. Theo bác sĩ Tấn Phát, người trên 65 tuổi mỗi ngày chỉ được uống tối đa một chai bia, dưới 65 tuổi mỗi ngày uống tối đa hai chai bia, uống nhiều hơn mức này sẽ có nguy cơ bị xơ gan do rượu.

Ung thư gan nguyên phát

Bệnh gan ác tính cần ghép gan thường gặp nhất là ung thư gan nguyên phát. Bệnh chủ yếu là hậu quả của tình trạng nhiễm mãn tính virút viêm gan B và virút viêm gan C. Theo y văn, 80-90% trường hợp bị ung thư gan nguyên phát là do nhiễm virút viêm gan B mãn tính trước đó mà không điều trị hay điều trị không phù hợp hoặc phát hiện bệnh trễ, có cả những trường hợp được điều trị đúng vẫn không ngăn chặn được diễn tiến của bệnh.

Để không phải đi đến giải pháp cuối cùng là ghép gan, theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, điều quan trọng nên chủ động phòng chống các bệnh gan, còn khi mắc bệnh cần phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh.

Cách phòng và phát hiện sớm các bệnh gan

Theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong đó có chích ngừa viêm gan siêu vi B. Virút viêm gan C vẫn chưa có thuốc chủng ngừa. Những người lớn vì lý do nào đó chưa từng được chích ngừa cần xét nghiệm, kiểm tra đầy đủ các chỉ số về virút viêm gan B. Qua các chỉ số này sẽ biết được bản thân có bị nhiễm virút viêm gan B hay không. Nếu chưa chích ngừa và chưa bị nhiễm virút viêm gan B thì nên chích ngừa. Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ nên kiểm tra cả virút viêm gan C vì đa số chỉ kiểm tra virút viêm gan B.

Virút viêm gan B và C đều có thể lây qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con (đặc biệt là virút viêm gan B) hoặc qua đường tiêm chích. Trước khi kết hôn, hai người nên xét nghiệm tầm soát virút viêm gan B và C để có biện pháp phòng ngừa lây bệnh cho vợ hoặc chồng. Ngoài ra, cần hạn chế uống rượu bia, không dùng những loại thuốc có hại cho gan, đặc biệt là những loại thuốc lạ. Khi mắc bất kỳ bệnh gì cũng phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nên ăn đạm thực vật, rau, trái cây và có chế độ vận động hợp lý. Không để cơ thể tăng cân nhiều vì dễ dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ trong gan.

Với những người đã mắc bệnh gan mãn tính, tuyệt đối không được uống rượu, bia và cần ăn chế độ ăn ít muối. Ngoài ra, người mắc bệnh gan cần chú ý mỗi khi uống thuốc, đặc biệt với những loại thuốc không cần kê toa như Paracetamol...

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp