21/04/2013 04:16 GMT+7

Để không còn tai nạn thương tâm

NGUYỄN NGỌC DIỆN
NGUYỄN NGỌC DIỆN

TT - Mới hôm trước có sáu học sinh lớp 7 tắm sông rồi chết đuối ở vùng quê nọ, hôm sau lại có một học sinh tiểu học ở quận Bình Tân (TP.HCM) ra ao nước gần nhà đùa nghịch rồi chìm luôn xuống ao và tử vong.

Tai nạn sông nước nghiêm trọng mà nạn nhân là trẻ em liên tiếp xảy ra, cả ở nông thôn và thành thị, không chỉ đem đến sự mất mát, đau thương cho các gia đình mà còn đặt ra những dấu hỏi về trách nhiệm trong việc xây dựng, duy trì một không gian sống an toàn, bình yên cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em.

Nếu được cứu kịp, hẳn các nạn nhân nhỏ tuổi sẽ bị người lớn mắng cho một trận về tội dám đi chơi và nghịch ngợm ở những nơi nguy hiểm. Tất nhiên là trong điều kiện còn non yếu về kiến thức, kinh nghiệm sống cũng như về khả năng tự bảo vệ mà lại mạo hiểm đi chơi và ra khỏi tầm kiểm soát của người lớn, thì cần phải bị rầy mắng. Tuy nhiên, “mắng” cũng có nghĩa là thừa nhận rằng các em còn quá thiếu hiểu biết, đặc biệt là chưa nhận thức được rõ ràng về những hiểm họa tiềm ẩn xung quanh mình.

Chắc chắn rằng chẳng có bậc cha mẹ nào, dù thương yêu và muốn chăm lo cho con nhiều đến mức nào đi nữa, cũng không thể có điều kiện trông nom và dìu dắt con ở mọi nơi, vào mọi lúc. Sẽ có lúc con cái rời khỏi tầm kiểm soát của gia đình và phải tự mình đương đầu với những thử thách của cuộc sống.

Bởi vậy, điều cần phải làm là trang bị cho trẻ con, ngay từ lúc bắt đầu bộc lộ khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin, những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phép tự mình đối phó và xử lý những điều bất trắc, nguy hiểm, đe dọa đối với tính mạng, sức khỏe của mình mà con người ta có thể gặp phải trong quá trình đi lại, giao tiếp thông thường.

Các bậc cha mẹ cần dành thời gian thích hợp để truyền đạt cho con cái tri thức và kinh nghiệm hữu ích về cách sống ở nơi chốn mà họ đã quen, nhất là về cách đi lại, cách phát hiện, ngăn chặn, loại trừ những hiểm họa, nguy cơ đặc thù của vùng đất nơi mình sinh sống.

Nhà trường, về phần mình, cần có những bài giảng theo phương pháp tình huống, ví dụ đi lạc đường, bị vọp bẻ khi bơi, cứu bạn đang lâm nạn, đương đầu với thú dữ, rắn độc..., chỉ rõ cách ứng xử cụ thể để tháo gỡ bế tắc, giải quyết vấn đề với thái độ điềm tĩnh một cách chính xác, bảo đảm được sự an toàn cho bản thân và giúp đỡ người khác một cách có hiệu quả.

Nhà chức trách, cụ thể là chính quyền địa phương và những cơ quan quản lý đối với các công trình xây dựng ở những nơi công cộng phải có những biện pháp thích hợp theo đúng chức năng để ngăn ngừa tai nạn ập đến bất chợt cho con người: hầm, hố, chướng ngại phải được rào chắn; ở các sông, hồ sâu phải đặt biển cảnh báo và phải bố trí lực lượng kiểm soát thường xuyên, sẵn sàng ứng cứu người bị nạn cũng như sẵn sàng xử phạt nghiêm khắc người vi phạm quy tắc an toàn.

Mỗi người một tay làm đầy đủ công việc cần thiết với đầy đủ ý thức trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, cộng đồng, với người khác thì nguy cơ xảy ra những tai nạn thương tâm như đã nghe trong thời gian qua mới có thể bị hạn chế, đẩy lùi.

NGUYỄN NGỌC DIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp