Vụ tai nạn khiến một trẻ mầm non chết vì bị cánh cửa bằng bêtông đè trúng khi đang đi tham quan ngôi trường tiểu học tương lai của em.
Chiếc tủ đựng mền gối trong phòng ngủ của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Quý Đôn, nơi xảy ra tai nạn - Ảnh: L.T. |
Trường học, nơi mọi phụ huynh ngỡ rằng an toàn bậc nhất, nay lại tiềm ẩn những nguy cơ thật khó lường. Có ai ngờ những vật dụng, thiết bị trong trường học, vốn được sản xuất và sử dụng cho mục đích giáo dục, lại có thể trở thành nguyên nhân vô tình gây nên cái chết trẻ thơ.
Tang tóc bao trùm nhà tang lễ Gò Vấp sáng 10-12 khi gia đình, thầy cô và bạn bè đưa tiễn T.G.B. (sinh năm 2008, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Q.Gò Vấp) rời xa trần thế trong niềm xót thương đến nghẹn lòng.
Cậu bé tinh nghịch vẫn thường vào phòng cô hiệu phó xin nước uống, nói năng lễ độ, ngoan ngoãn, biết quan tâm đến người khác, chỉ vừa bước chân vào ngôi trường tiểu học đầu đời được vài tháng.
Trưa 9-12, giáo viên của trường phát hiện B. bị chiếc tủ gỗ ép đựng mền gối ở phòng ngủ dành cho học sinh bán trú đè lên người. Em được thầy cô đưa đi cấp cứu ngay, nhưng đã hôn mê và tử vong 23g45 cùng ngày vì chấn thương quá nặng.
Nhìn thấy chiếc tủ bằng gỗ ép, ngang khoảng 1,5m, cao khoảng 1,8m đặt trong phòng ngủ của học sinh tại Trường Lê Quý Đôn, không ai tin được rằng chiếc tủ ấy có thể gây chết người. Đơn giản bởi chiếc tủ khá nặng để có thể bị đổ xuống, phần chân tủ được kê bằng phẳng và đặt sát vào tường.
Nhưng tai nạn đã xảy ra. Ban giám hiệu nhà trường cho biết đây là ngôi trường mới vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đến cuối tháng 12 mới được bàn giao. Các thiết bị (như tủ, bàn...) đều do chủ đầu tư cung cấp và những chiếc tủ đựng mền gối kia cũng còn mới tinh, chưa kịp gắn cố định vào tường.
Mặt khác, tai nạn xảy ra trong giờ ăn, khi mà tất cả học sinh và giáo viên đều có mặt ở nhà ăn, không học sinh nào được lên các phòng học hay tầng lầu cho đến khi nghe hiệu lệnh trống. Những học sinh làm nhiệm vụ sao đỏ túc trực suốt ở các chân cầu thang để kiểm soát việc này.
Dù bao tình tiết được mổ xẻ thì tai nạn cũng đã xảy ra rồi. Bên cạnh chuyện túc trực cùng gia đình và lo lắng chu toàn tang lễ của học sinh, Phòng GD-ĐT Gò Vấp cũng yêu cầu nhà trường cho thợ gắn đinh cố định ngay các loại tủ vào tường để tránh tai nạn tương tự.
Tai nạn đã xảy ra, chuyện quy trách nhiệm cho ai hay không là của cơ quan chức năng, chưa kể chuyện xui rủi không ai ngờ nên thật khó để định lỗi. Nhưng như lời bộc bạch của một người thân trong gia đình bé G.B. ở tang lễ: “Chuyện không may đã xảy ra rồi nên chúng tôi cũng không muốn làm lớn. Chỉ mong sau này không có bé nào bị tai nạn như vậy nữa”.
Điều muốn ấy ngỡ giản đơn mà không hề đơn giản. Bởi để bảo vệ những đứa trẻ, câu chuyện không chỉ nằm ở những thiết bị vô tri vô giác kia, mà đòi hỏi người lớn phải kỹ hơn nữa, chăm chút hơn nữa và trách nhiệm hơn nữa với từng việc làm của mình.
Rồi sản phẩm, thiết bị đưa vào sử dụng trong trường mầm non, tiểu học dựa trên quy định nào, ai kiểm tra, dùng thử và thẩm định độ an toàn? Có cách nào khác để hạn chế tai nạn cho trẻ ngoài những quy định, kỷ luật và hiệu lệnh mà trẻ con hiếu động ít quan tâm?
Cần kiểm soát gắt gao hơn Chúng tôi từng tham quan một trường tiểu học mấy ngàn học sinh cũng ở Q.Gò Vấp, mỗi chân cầu thang đều có cổng khóa với một nhân viên bảo vệ túc trực suốt giờ ra chơi để đảm bảo không còn học sinh nào trên các tầng lầu. Hoặc phòng ngủ bán trú của nhiều trường mầm non, tiểu học trong đó hệ thống tủ, kệ được thiết kế thấp vừa tầm trẻ và rộng về bề ngang để tránh đổ ngã, đồng thời được đóng cố định vào nền hoặc tường... Nhưng vẫn còn nhiều lắm chiếc móc sắt gỉ sét vươn ra từ những bộ đồ chơi ngoài trời, những lan can cầu thang quá thấp hay lối đi không có tay cầm, những chiếc tủ sắt cao lêu nghêu và cồng kềnh choán một phần diện tích lớp học, những bức tường nứt luôn sẵn sàng đổ sập, quạt và đèn trần treo lủng lẳng chực rơi... Tất cả đều ẩn chứa nguy cơ cho sinh mạng những đứa trẻ hồn nhiên vô tội cho đến chừng nào ngành giáo dục có những kiểm soát gắt gao hơn và bản thân từng người lớn biết “lo xa” nhiều hơn cho từng bước chân của trẻ nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận