01/06/2023 10:40 GMT+7

Để không còn cứ hè là đuối nước

Một trong những ám ảnh ngày hè là đuối nước. Cứ mỗi khi học sinh nghỉ hè là báo chí lại rộ lên những vụ chết đuối thương tâm. Năm này qua năm khác, nỗi ám ảnh này vẫn lặp đi lặp lại.

Các em học bơi tại hồ bơi Phú Thọ, quận 11, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các em học bơi tại hồ bơi Phú Thọ, quận 11, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh - giám đốc Trung tâm thể thao Trường đại học Hoa Sen, giám định viên AustSwim của Úc - cho biết hiện nay đuối nước ở trẻ em Việt Nam chiếm tỉ lệ rất cao trong số 10 nước được cảnh báo. "Mỗi năm có khoảng 5.000 - 10.000 trẻ bị đuối nước, phần lớn xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Nhiều người đang nghĩ sai là chỉ cần đưa con đi học bơi mà không quan tâm đến kỹ năng an toàn dưới nước" - bà Thanh nói.

Không chơi môn này môn khác thì không chết, nhưng không biết bơi là chết. Điều tiên quyết mỗi gia đình khi có con thì mỗi đứa con đều cần phải biết bơi, mỗi gia đình là một đội bơi tiếp sức.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh

Biết bơi không có nghĩa là an toàn

Ông Vũ Ngọc Chiến, HLV bơi tự do tại quận 7 (TP.HCM), nhận xét tỉ lệ đuối nước vào mùa hè có xu hướng tăng so với những thời điểm khác do học sinh được nghỉ học. "Phụ huynh cần phải nhận thức được mọi rủi ro mà con mình có thể gặp phải và tuyên truyền giáo dục ý thức cho con. Nếu các con không biết bơi thì cha mẹ phải cảnh báo con không được tự ý đi bơi, đặc biệt là những nơi lạ không lường được độ nông sâu" - ông Chiến tư vấn.

Theo ông Chiến, cần trang bị cho con những kỹ năng bơi cơ bản để con có thể tự cứu mình hoặc giữ được bình tĩnh, gọi người đến cứu trong những trường hợp gặp sự cố. Những người biết bơi không nên chủ quan khi đi bơi ở sông, biển vì họ cũng có thể là nhóm đối tượng dễ bị đuối nước nhất.

"Những bạn không biết bơi dĩ nhiên có nguy cơ bị đuối nước cao. Còn những bạn biết bơi đôi khi sẽ không đánh giá được tình hình nước ở sông, biển... khác với ở hồ như thế nào. Vì thế, tình trạng vọp bẻ xảy ra hoặc bị nước cuốn đi cũng là những điều phổ biến dễ gây ra tai nạn thương tâm vào mùa hè" - ông Chiến nói.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh chia sẻ thêm: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước nhiều ở trẻ em là vì nhận định của phụ huynh chưa đúng về việc cho con đi học bơi để biết bơi nhưng lại thiếu kỹ năng an toàn khi trẻ ở dưới nước. Thêm nữa, nhiều phụ huynh chưa thấy tầm quan trọng của môn bơi mà chỉ quan tâm cho con học các môn văn hóa, ít quan tâm đến việc đầu tư cho con tập luyện các môn thể thao".

Đưa môn bơi thành môn học bắt buộc

Nói về kỹ năng an toàn dưới nước, bà Thanh cho rằng các giáo viên và huấn luyện viên phải được huấn luyện bài bản để có thể truyền đạt lại cho học sinh. Quan trọng là dạy cho trẻ biết cách đi lại dưới nước, đứng nước, lội nước, ngụp lặn dưới nước và biết cách sống sót trong môi trường nước. Ngoài ra, còn có thêm kỹ năng nhận biết tình huống rủi ro, kêu cứu, cấp cứu khi gặp sự cố...

Để giảm việc đuối nước cho trẻ em, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh tư vấn: "Phụ huynh nên thấy bơi lội là việc quan trọng cần đầu tư cho các con trong lứa tuổi này vì có nhiều lợi ích như: các con được phát triển chiều cao, phát triển cơ quan hô hấp, tăng cường thể lực, tránh được bệnh tật, giảm căng thẳng. 

Tinh thần thoải mái sẽ giúp các con học tốt hơn, ăn no, ngủ ngon hơn và là nền tảng phát triển về trí tuệ. Phụ huynh nên đưa con đi tập luyện ít nhất hai lần trong tuần. Trong tất cả môn thể thao thì môn bơi là rất quan trọng, biết bơi được thì suốt đời sẽ không quên. Các con tự tin hơn, dũng cảm hơn khi vui chơi trong môi trường nước, biết cách giúp cho người khác khi rơi vào tình huống đặc biệt".

Bà Thanh cũng đề xuất hiện nay môn bơi lội tại một số trường được xem là môn học tự chọn, nếu đưa vào thành môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy giáo dục thể chất cho các em cấp tiểu học thì tỉ lệ đuối nước ở trẻ sẽ được giảm thiểu.

Học kỹ năng sinh tồn

Anh Nhất (quận 7, TP.HCM) cho biết cứ đến hè anh đều dắt con đi học bơi. Hai con trai của anh năm nay lần lượt tròn 6 và 9 tuổi. Anh Nhất đã đăng ký cho con học bơi tại hồ bơi Trần Thái (huyện Nhà Bè) suốt hai năm nay với khoảng 3-4 khóa học.

"Tôi mong rằng con có thể học được cách sinh tồn nếu lỡ xảy ra sự cố không may khi đi chơi với bạn bè hoặc với gia đình thì các cháu cũng có thể tự cứu lấy mình. Đi học bơi cũng là một cách để con có thể vui chơi và cải thiện sức khỏe vào mùa hè" - anh Nhất tâm sự.

Lớp học bơi 0 đồng

Những ngày cuối tháng 5-2023, khi học sinh đã rời ghế nhà trường về nhà tận hưởng những ngày hè thì ở một góc sân Trường THCS Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) - nơi có bể bơi của ngôi trường này - vẫn xôn xao tiếng vui đùa của các em nhỏ đang tham gia học bơi miễn phí.

Thầy Phạm Văn Chí hướng dẫn học sinh các động tác bơi - Ảnh: LÊ MINH

Thầy Phạm Văn Chí hướng dẫn học sinh các động tác bơi - Ảnh: LÊ MINH

Cứ đúng 17h chiều, khi những tia nắng cuối cùng của một ngày bị che khuất bởi hàng cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Nam Hồng cũng là lúc các bậc phụ huynh đưa con em đến bể bơi để rèn luyện kỹ năng bơi lội. Chờ sẵn ở bể bơi, ba thầy giáo đến từ các ngôi trường khác nhau trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đón các em với nụ cười hiền lành nở trên môi.

Thầy Phạm Văn Chí - giáo viên bộ môn thể dục (Trường THPT Hồng Lĩnh) - cho biết bước vào những ngày hè, thầy được ban giám hiệu Trường THCS Nam Hồng mời đến dạy kỹ năng bơi lội cho học sinh nghèo. Vốn là thầy giáo dạy bơi có tiếng ở địa phương, khi được tham gia dạy học cho trẻ em nghèo tại địa phương thầy Chí đã vui vẻ nhận lời.

"Vào mùa hè, các em học sinh thường tìm đến những địa điểm mát mẻ để vui chơi như biển, sông, hồ... Tuy vậy, nhiều em chưa biết bơi sẽ rất nguy hiểm. Thời gian qua, nhiều em học sinh trên địa bàn bị đuối nước thương tâm một phần cũng vì chưa được trang bị các kỹ năng bơi lội. Mùa hè này tôi được nhà trường mời đến dạy bơi cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo nên đồng ý ngay vì việc làm này rất có ý nghĩa" - thầy Chí tâm sự.

Lớp dạy học bơi miễn phí do Trường THCS Nam Hồng tổ chức hiện có 22 em học sinh đang theo học các trường tiểu học và THCS trên địa bàn phường Nam Hồng. Lớp học bắt đầu tổ chức giảng dạy từ ngày 20-5, đến nay đã trải qua sáu buổi học nhưng có đến 90% các em học sinh đã biết bơi.

Chị Nguyễn Thị Thúy (một phụ huynh có con học bơi miễn phí) cho biết chị có hai cháu năm nay lên lớp 5 và lớp 9, ngay khi biết được thông tin Trường THCS Nam Hồng tổ chức lớp dạy bơi miễn phí chị đã chủ động đến đăng ký cho con vào lớp. "Những ngày hè, con cái ở nhà thường xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè, sợ nhất là rủ nhau đến các khu vực có sông suối để chơi nên tôi không thể yên tâm. Nhờ có lớp học này các con vừa có sân chơi trong những ngày hè, vừa được trang bị kỹ năng bơi lội, hơn nữa đây là lớp học miễn phí cho những con em có hoàn cảnh khó khăn nên thực sự ý nghĩa và hữu ích" - chị Thúy nói.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa - hiệu trưởng Trường THCS Nam Hồng - cho biết nhà trường tự đứng ra tổ chức lớp học bơi ngay tại bể bơi trong trường với số lượng 22 học sinh theo học. Đồng thời phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Hồng Lĩnh tổ chức lớp học bơi tại một địa điểm khác với 27 học sinh. Tất cả các em học sinh tham gia hai lớp học bơi này đều được dạy miễn phí.

Cho trẻ học bơi từ tuổi nào?Cho trẻ học bơi từ tuổi nào?

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh ý thức về việc cho con theo học bơi. Tuy nhiên, họ lại có băn khoăn về việc nên bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với nước từ lúc mấy tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp