Chính vì thế, sau khi đọc bài “” (Tuổi Trẻ ngày 4-4-2013), tôi cảm thấy rất tiếc khi hợp đồng tặng cho nhà đã qua công chứng nhưng vẫn có nguy cơ phải ra tòa tranh chấp.
Căn nhà nêu trong bài nguyên là tài sản chung của bà Kiều Thị Cho Em với người chồng. Do vợ chồng bà có ba người con nên sau khi người chồng mất không để lại di chúc thì 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của người chồng được chia đều cho bốn đồng thừa kế theo pháp luật (gồm có bà và ba người con), tính ra mỗi người được thừa kế 1/8. Như vậy, so với ba người con thì bà Cho Em là người chủ lớn của căn nhà do được sở hữu riêng 1/2 căn nhà + được thừa kế 1/8 căn nhà. Theo bà thì bà chỉ muốn tặng cho ba người con 1/8 căn nhà chứ không phải cho hết phần mà bà được tổng sở hữu. Tuy nhiên, hợp đồng công chứng lại ghi quá gọn “tặng cho một phần nhà” mà không thể hiện rõ là phần nào sau đó hai người con tiếp tục đi công chứng để tặng cho phần nhà của họ cho người con còn lại mà người này, sau đó đã được UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chủ quyền toàn bộ căn nhà. Khi người con này bán nhà cho người chủ mới, từ chỗ tưởng là vẫn được sở hữu 1/2 căn nhà, bà Cho Em đang phải đối mặt với nguy cơ mất luôn phần này.
Liên quan đến khiếu nại của bà Cho Em có Phòng công chứng số 5 và Phòng tài nguyên - môi trường quận Bình Thạnh. Cả hai phòng đều cho rằng mình không làm sai ý chí của bà Cho Em.
Ai đúng, ai sai xin để tòa án phân xử nhưng theo tôi, hợp đồng tặng cho một phần nhà của Phòng công chứng số 5 có nhiều điểm không chặt chẽ. Khi đi công chứng, bà Cho Em và ba người con đang là đồng sở hữu nhà theo giấy chủ quyền nhà cấp năm 2003 (ghi tên bà và người chồng đã mất trước đó); tờ khai trước bạ dành cho nhà diện thừa kế (có nêu tên người mẹ và ba người con) nhưng hợp đồng lại ghi bên A và bên B là đồng thừa kế của căn nhà. Hợp đồng còn nêu “bên A tự nguyện cho đứt một phần căn nhà” với các đặc điểm kèm theo là toàn bộ diện tích nhà ghi y như giấy chủ quyền. Cách ghi này rất dễ dẫn đến cách hiểu bên A cho hết phần được tổng sở hữu bởi thật ra đó cũng chỉ là một phần nhà. Tuy sau này Phòng công chứng số 5 có giải thích ghi như vậy là đã thể hiện bà Cho Em tặng cho phần bà được thừa kế từ chồng nhưng xem ra rất khó để Phòng tài nguyên - môi trường quận “tâm phục khẩu phục”.
Có một vấn đề cần đặt ra từ vụ việc này. Đó là đối với các tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người, vì sao hợp đồng công chứng không định lượng cụ thể phần chuyển nhượng để cơ quan thuế dễ tính thuế, cơ quan đăng ký dễ cấp giấy chủ quyền và người dân không phải mất công kiện tụng? Như ở trường hợp của bà Cho Em, thay vì ghi một phần căn nhà dẫn đến tranh cãi, sao phòng công chứng không nêu rõ người mẹ tặng cho các con 1/8 căn nhà?
Một công chứng viên cho biết: “Do ngại sót người thừa kế nên các công chứng viên thường không xác định tỉ lệ phần nhà chuyển nhượng. Đối với những hồ sơ tương tự của bà Cho Em, nếu người cho đồng ý cho hết phần mình được sở hữu thì tôi sẽ ghi vào hợp đồng “bên A chuyển nhượng một phần căn nhà để bên B trọn quyền sở hữu căn nhà”, nếu người cho chỉ cho phần được thừa kế từ người chồng thì tôi sẽ ghi là “... để bên B được đồng sở hữu nhà với bên A theo tỉ lệ bằng nhau””.
Cũng cùng quan điểm là không ghi tỉ lệ nhưng luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM) lại không đồng ý ghi “một phần nhà” vì như vậy là “chung chung quá”. Luật sư Miền nói: “Tùy theo nguyện vọng của khách hàng, tôi sẽ đề nghị công chứng viên ghi rõ “bên A chuyển nhượng phần được thừa kế” hoặc “bên A chuyển nhượng phần được sở hữu riêng và phần được thừa kế”. Lâu nay, nhiều công chứng viên đều chấp thuận yêu cầu này của tôi và đã không có phát sinh tranh chấp gì từ các bên”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận