21/04/2025 12:05 GMT+7

Để khởi nghiệp không nằm trên giấy

Doanh nghiệp mong muốn đồng hành nhiều hơn cùng trường đại học từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, kỹ năng ứng dụng, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Để khởi nghiệp không nằm trên giấy - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7 - Ảnh: MOET

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần 7 năm 2025, diễn ra tại TP.HCM ngày 20-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng kết bảy năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

Thiếu nền tảng thực tiễn

Theo ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, bên cạnh những kết quả tích cực của ngành giáo dục thời gian qua, cần thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất và môi trường học tập chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phần lớn các trường đại học, cao đẳng hiện nay thiếu các phòng thí nghiệm, các xưởng thực hành và môi trường trải nghiệm thực tế.

Ông Hoàng nhấn mạnh đặc biệt, giai đoạn 2025 - 2030 cần trang bị thiết bị thí nghiệm hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và những công nghệ có tính đột phá cao. Ngoài ra, chuyển đổi số trong giáo dục tuy được nhắc đến nhiều năm nhưng chưa được triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Sinh viên vẫn thiếu công cụ để thực hành, đổi mới và sáng tạo.

Hệ quả là nhiều bạn trẻ có tiềm năng nhưng vẫn dừng lại ở mức lý thuyết, nhiều ý tưởng khởi nghiệp chỉ tồn tại trên giấy, thiếu nền tảng thực tiễn để phát triển thành sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh tạo ra giá trị cụ thể.

"Thực tế, còn nhiều giảng viên hạn chế về kỹ năng thực tiễn nhưng lại được phân công giảng dạy những môn học có tính ứng dụng cao, đòi hỏi kinh nghiệm thực chiến. Chúng tôi phối hợp với các trường đại học để tổ chức cho cán bộ theo học cao học, có những người giảng dạy môn quản lý dự án nhưng thực tế chưa từng tham gia điều hành một dự án nào. Trong khi đó, người học là các cán bộ, kỹ sư đã trực tiếp quản lý và hoàn thành nhiều dự án trọng điểm của quốc gia", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho rằng hội đồng trường hiện nay vận hành chưa hiệu quả, dẫn đến mô hình đào tạo bị bó hẹp, chưa thực sự phát huy được vai trò tự chủ của các nhà trường, làm cho doanh nghiệp quan ngại khi hợp tác với các trường. Kỹ năng mềm của sinh viên chưa được chú trọng rèn luyện. 

Thực tế tại doanh nghiệp cho thấy phần nhiều sinh viên khi mới đi làm đều phải đào tạo lại, thậm chí từ những kỹ năng cơ bản nhất. Không ít sinh viên còn lúng túng trong việc trình bày ý tưởng, báo cáo công việc hay phối hợp làm việc trong tập thể.

Bên cạnh đó liên kết nhà trường - doanh nghiệp còn lỏng lẻo. "Chúng tôi đã phối hợp cùng trường đại học để hình thành viện nghiên cứu và đào tạo, nhưng khi đụng chạm đến nhu cầu đầu tư, nhập khẩu chương trình hay tuyển dụng giảng viên giỏi đào tạo, chuyên gia nước ngoài hay điều chỉnh khung chương trình thực tiễn vô cùng khó khăn bởi các thủ tục hành chính", ông Hoàng nói.

khởi nghiệp - Ảnh 3.

Ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MOET

Để trở thành nơi "ươm mầm" khởi nghiệp

Từ những thực trạng nêu trên, ông Hoàng nêu một số giải pháp để hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia thực sự trở thành nơi "ươm mầm" cho những người trẻ có khát vọng kiến tạo giá trị cho xã hội. 

Ông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nơi có các trường đại học chuyên ngành, để xác định rõ mục tiêu ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư hoặc cho phép xã hội hóa đầu tư vào các hạng mục thiết yếu như trang thiết bị, phương tiện và con người tương thích với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến đào tạo thực hành và ứng dụng công nghệ mới.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, rà soát tỉ lệ tái đầu tư cho giáo dục từ các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước... Đánh giá tính hiệu quả thực tế của các chương trình khởi nghiệp đã và đang triển khai, trên cơ sở đó để xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia có trọng tâm, trọng điểm, bám sát năng lực của người học và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành cần khuyến khích tinh thần chia sẻ, "lấy tri thức tạo giá trị", công nhận và sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp là một phần nguồn lực đào tạo của nhà trường để qua đó kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp và tham gia huấn luyện thực tiễn cho sinh viên trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng hành nhiều hơn cùng nhà trường ngay từ khâu xây dựng chương trình môn học, đào tạo văn hóa và kỹ năng ứng dụng.

Cần định kỳ tổ chức đánh giá, phân loại đội ngũ giảng viên để qua đó bồi dưỡng bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành, cần xét đến các chứng nhận của doanh nghiệp trong việc cùng triển khai các hoạt động thực tế cùng các doanh nghiệp.

"Việt Nam chúng ta không thiếu những người trẻ tài năng, điều chúng ta cần là một hệ sinh thái phù hợp để khơi dậy và phát huy đúng cách khát vọng ấy. Nếu mỗi người trẻ khởi nghiệp không chỉ bằng kỹ năng, mà bằng lòng trách nhiệm và tình yêu đất nước thì thành công của họ sẽ là những viên gạch góp phần dựng xây thành tựu chung của dân tộc", ông Hoàng khẳng định.

Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ 7:

15 dự án đoạt giải nhất

Chiều 20-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ 7 năm 2025. Cuộc thi được phát động từ tháng 12-2024. Sau hai tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông.

Đây là năm đầu tiên cuộc thi có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sau vòng bán kết, 125 dự án xuất sắc đã được lựa chọn tham dự vòng chung kết cuộc thi.

Theo ban tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Số lượng học sinh cấp THCS tham gia năm nay tăng. Dự án của khối sinh viên mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT, big data và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.

Kết quả, ban tổ chức đã trao 15 giải nhất (trị giá 15 triệu đồng/giải) cho ba khối: sinh viên, giáo dục nghề nghiệp và học sinh (5 giải nhất/khối).

Thần tốc, táo bạo đưa Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Ngày 20-4, tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, với tinh thần "thần tốc, táo bạo để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo".

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa. Đồng thời tiếp tục xây dựng đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.

Trong phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Thủ tướng, các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp đã luôn dành sự quan tâm thường xuyên, sâu sát đối với ngành giáo dục nói chung và hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói riêng.

"Thay mặt cho ngành giáo dục và đào tạo, tôi xin trân trọng tiếp thu đầy đủ và quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả nội dung chỉ đạo định hướng của Thủ tướng với tinh thần đã hứa là thực hiện, thực hiện với tinh thần thần tốc, táo bạo, không giới hạn để phát huy đầy đủ các giá trị, tiềm năng của thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam", ông Sơn khẳng định.

Để khởi nghiệp không... nằm trên giấy - Ảnh 3.Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khởi nghiệp của sinh viên chưa tương xứng với tiềm năng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật, khởi nghiệp của sinh viên - học sinh chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thanh niên Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp