Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nghe giới thiệu các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ tại lễ phát động - Ảnh: Quang Định |
Theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Quốc Chinh - trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM), TP.HCM rõ ràng là thành phố đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đây là môi trường thuận lợi nhất ở VN để người trẻ khởi nghiệp. Thêm vào đó, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về vấn đề này cũng được thể hiện rất rõ.
“Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm thôi thì chưa đủ mà còn cần một loạt chính sách đi kèm. Những chính sách vay vốn, đầu tư của thành phố thật sự vẫn chưa thể hiện rõ lắm mục tiêu này” - TS Nguyễn Quốc Chinh cho biết.
TS Nguyễn Quốc Chinh cho rằng TP.HCM cần cụ thể hơn trong việc hướng dẫn những dự án khởi nghiệp. Thêm vào đó, chính quyền thành phố cũng có thể xây dựng những văn phòng miễn phí, tạo môi trường để người khởi nghiệp làm việc. “Cần tạo ra những “vườn ươm”, tạo điều kiện ban đầu để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển” - TS Nguyễn Quốc Chinh nói.
Ông Nguyễn Thu Phong - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - cũng cho rằng bên cạnh kêu gọi tinh thần thì những người trẻ, những doanh nhân muốn khởi nghiệp còn phải được cho thấy những cam kết và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Người khởi nghiệp thường gặp những khó khăn gì?
Theo ông Nguyễn Thu Phong, người khởi nghiệp thường gặp những khó khăn cơ bản về vốn, kiến thức thị trường, kỹ năng điều hành, quản trị và tổ chức doanh nghiệp,…
Vì vậy, thành phố nên mở các lớp hướng dẫn quy trình thành lập doanh nghiệp. Nhiều người trẻ muốn khởi nghiệp thường không nắm rõ những vấn đề rất cơ bản như để khởi nghiệp cần làm gì, nên thuê mướn nhà cửa ở đâu, đăng ký kinh doanh như thế nào, bảo hộ mô hình ý tưởng, thương hiệu và sản phẩm của mình như thế nào, phải đăng ký lao động ra sao,…
“Thế giới có rất nhiều lớp học như thế, còn ở VN thì chưa thấy hoặc có mà chưa được truyền thông đúng mức, rộng rãi để người trẻ biết tới. Đây là biện pháp rất dễ, cần phải làm ngay. Một bạn trẻ ngoài việc đam mê sản phẩm của mình thì còn cần được bổ trợ những kiến thức cơ bản để đừng làm sai luật pháp” - ông Nguyễn Thu Phong nói.
Theo TS Nguyễn Quốc Chinh, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc TP.HCM có trở thành thành phố khởi nghiệp hay không.
Yếu tố đầu tiên là năng lực của bản thân người muốn khởi nghiệp. Đó là năng lực về chuyên môn, năng lực về hiểu biết môi trường và xã hội để có thể định hướng đúng là mình nên khởi nghiệp cái gì và như thế nào.
Yếu tố thứ hai là các chính sách xã hội, chính sách hỗ trợ cho người muốn khởi nghiệp của ban lãnh đạo thành phố.
Yếu tố thứ ba là nhu cầu thực tế của xã hội trong từng lĩnh vực. Nhu cầu này phải đủ lớn để đáp ứng được sự phát triển của các doanh nghiệp.
Giải pháp thật sự chứ không phải phong trào
Ông Nguyễn Thu Phong cho rằng cần sự tham gia của bốn giới trong vấn đề khởi nghiệp. Thứ nhất là người muốn khởi nghiệp. Thứ hai là giới đầu tư, những tổ chức, những mô hình, những quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba là giới khoa học công nghệ là các viện nghiên cứu và các trường đại học. Đây là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong những đổi mới sáng tạo công nghệ và áp dụng khoa học công nghệ phục vụ cho các doanh nghiệp.
Thứ tư là vai trò của giới chính quyền, tức là vai trò của những chính sách, hoạch định, chiến lược và các cơ chế hỗ trợ về thông tin, thủ tục hành chính, thuế và lãi suất cho các doanh nghiệp. Đây là bộ phận quan trọng đề ra những chính sách kích cầu từ vốn ngân sách thành phố, hỗ trợ về xúc tiến thương mại.
“Cả bốn bên đều phải phối hợp chặt chẽ với nhau, không thể chỉ trông cậy vào các chính sách của Nhà nước. Tính hiệu quả của vấn đề khởi nghiệp nằm ở chỗ phải tạo ra được kết nối giữa các bộ phận trên. Để thực hiện những chương trình này cần một sự quyết tâm, đồng lòng từ nhiều phía” - ông Nguyễn Thu Phong nhận xét.
Các quốc gia khởi nghiệp đã thành công như thế nào? Quốc gia khởi nghiệp Israel có đến 4.800 công ty khởi nghiệp và thu hút số lượng vốn đầu tư mạo hiểm trên mỗi đầu người nhiều nhất thế giới với 170 USD/người, so với 70 USD/người của Mỹ. Một trong những lý do khiến Israel thành công chính là việc chính phủ của quốc gia này rất khuyến khích các nhà khởi nghiệp trẻ thành lập công ty bằng cách hỗ trợ vốn cho họ. Quốc gia này cũng có nhiều chính sách giới thiệu các công ty khởi nghiệp đến với nhà đầu tư, tạo những mối quan hệ đối tác và những chương trình hỗ trợ cho các công ty mới. Ngoài ra, Israel còn là một trong những quốc gia rất chú trọng đến nghiên cứu và phát triển. Những “gã khổng lồ” trên toàn thế giới như Intel, eBay, Apple, IBM, Google và Microsoft đều phải đến Israel đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đây. Nếu Microsoft đã ra mắt trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Israel thì Apple mua lại hai công ty khởi nghiệp chỉ trong vòng 2 năm, còn Intel thì đầu tư vào 64 công ty khởi nghiệp tại quốc gia này. Tại Singapore, những quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đã lớn gấp 5 lần so với năm 2010 dưới sự ủng hộ nhiệt tình của chính phủ. Đây là nơi ươm mầm phát triển cho những “tân binh” như iJam và Technology Incubation Scheme. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore là cầu nối liên kết giữa chính phủ, cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư và các tài năng công nghệ. Singapore sẵn sàng trải thảm đỏ đối với nhân tài, không chỉ trong cộng đồng người Singapore mà cả các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài. Tại Bắc Kinh, bên cạnh những lời động viên về mặt tinh thần, nhiều sinh viên khởi nghiệp cũng nhận được những sự hỗ trợ thực tế từ chính quyền địa phương và các trường đại học như các khóa đào tạo, các khoản trợ cấp, các văn phòng miễn phí sử dụng cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS Nguyễn Quốc Chinh:
>> Ông Nguyễn Thu Phong:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận