Sau đây là ý kiến người dân, chuyên gia và cơ quan chức năng.
Ông Bùi Hòa An (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Thành lập các tổ phản ứng nhanh
TP.HCM đã thành lập các tổ phản ứng nhanh giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an TP.HCM (khu vực Tây Nam, Tân Sơn Nhất, Cát Lái) và thông qua hệ thống 793 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên toàn TP, thông tin từ phòng trực điều tiết giao thông tại hiện trường.
Trên cơ sở đó, các thông tin về ùn tắc, tai nạn giao thông do mưa lớn, triều cường sẽ được cập nhật thường xuyên chuyển lên ứng dụng Viber.
Và khi có sự cố xảy ra gây ùn tắc, các cơ quan chức năng, lực lượng điều tiết giao thông sẽ có mặt nhanh chóng để khắc phục sự cố (cây ngã đổ, hệ thống đèn giao thông không hoạt động, tắt đèn chiếu sáng...) để điều tiết, dời xe cộ gặp sự cố (chết máy, tai nạn) ra khỏi hiện trường đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt trong thời gian sớm nhất.
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị là đơn vị trực thuộc sở cũng sẽ đăng tải thông tin cảnh báo tình hình mưa lớn, triều cường, ùn tắc giao thông lên hệ thống 78 bảng quang báo giao thông và cung cấp thông tin đến các kênh VOV, VOH thông báo đến người lái xe để lựa chọn đường đi phù hợp, hạn chế qua khu vực ngập, kẹt xe.
Sở Giao thông vận tải cũng tính toán xây dựng các tuyến đường trên cao giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất, cải thiện tốc độ đi lại và giảm thiểu thời gian chờ đợi tại các nút giao.
Sở đang nghiên cứu 5 dự án BOT đường hiện hữu ở TP theo cơ chế đặc thù.
Trong đó có nghiên cứu phương án làm đường trên cao đối với quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3), đoạn trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Ông Đỗ Tấn Long (giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP.HCM):
Làm nhiều cách để chống ngập
Để giải quyết căn cơ tình hình ngập nước, TP.HCM tập trung triển khai xây dựng các dự án hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; cải tạo kênh Hy Vọng; cải tạo các trục tiêu thoát nước rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn.
Đồng thời tập trung hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết các tuyến trục chính thường xuyên ngập, cụ thể các tuyến: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ - quận Gò Vấp); Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1 (TP Thủ Đức); Phan Anh, Hồ Học Lãm...
Đối với hệ thống thoát nước hiện hữu, các vị trí cống xuống cấp đang dần được duy tu, sửa chữa. Lòng cống, miệng thu... được nạo vét để tăng khả năng thoát nước.
Đơn vị cũng sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng chứa và thoát nước như: Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, trạm bơm Thanh Đa. Đặc biệt, vận động người dân cùng bảo vệ hệ thống thoát nước và cùng cơ quan chức năng có biện pháp xử lý với những người cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Thắng (người dân ở TP Thủ Đức, TP.HCM):
Chống ngập ngay cho đường, hẻm đông xe qua lại
Tình trạng xe cộ phải nhích từng chút, thậm chí dắt bộ trong vùng nước ngập do mưa lớn thường xảy ra trên một số tuyến đường như quốc lộ 13, Trần Xuân Soạn, quốc lộ 50, Đỗ Xuân Hợp, Tô Ngọc Vân, Linh Đông và mới đây lại thêm một số khu vực thuộc quận Bình Thạnh (đường Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm, D5).
Do đó việc giải quyết ngay chuyện ngập cho các tuyến đường, con hẻm thường xuyên có đông đúc xe cộ qua lại vào giờ cao điểm là việc ưu tiên làm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải):
Đường sắt đô thị là yết hầu
Với Hà Nội và TP.HCM, tôi nghĩ cần phải đầu tư tốt hạ tầng giao thông như đường trên cao, dưới thấp, cầu cống...
Ngoài ra các cửa ngõ ra vào TP phải được mở rộng, phải giải quyết hạ tầng một cách đồng bộ, liên thông, hợp lý.
Ngoài ra cần phải phát triển nhanh giao thông công cộng. Trong đó phải lấy đường sắt đô thị là "yết hầu", là "mạch máu" chính, bởi đây là loại hình giao thông chạy đường riêng, đúng giờ và chở được đông người.
Đây là giải pháp chính để giải tỏa lượng hành khách lớn trong giờ cao điểm.
Hiện Hà Nội, TP.HCM đang đi đúng hướng trong phát triển giao thông công cộng, nhưng quá trình triển khai quá chậm, một tuyến metro làm hơn 12 năm chưa xong. Nguyên nhân là có quá nhiều thủ tục khi triển khai và không ai dám chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Phi Thường (giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội):
Phát sinh thêm 11 điểm ùn tắc mới
Để cải thiện tình trạng tắc đường ở thủ đô, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các công việc cấp bách như dùng phần mềm mô phỏng tổ chức giao thông; thành lập 4 tổ công tác liên ngành rà soát, xử lý bất cập trong tổ chức giao thông; cắt xén vỉa hè, thu hẹp dải phân cách để mở rộng lòng đường...
Riêng trong năm 2023, sở đã điều chỉnh tổ chức giao thông 48 tuyến đường và nút giao. Hà Nội xử lý được 15/37 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại phát sinh 11 điểm ùn tắc mới. Sở đang tính toán thêm các giải pháp mang tính lâu dài để giải quyết vấn đề trên.
TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Đầu tư đường sá ngoại thành, cầu vượt thép
Tôi đánh giá việc đầu tư xây dựng các cầu vượt thép ở những nút giao thông trọng điểm đã phần nào giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.
Do đó Sở Giao thông vận tải có thể nghiên cứu đầu tư thêm cầu vượt thép ở một số khu vực cho xe máy đi, nhất là bắc qua các kênh rạch.
Đồng thời tính toán hoàn thiện các nút giao thông, phát triển hạ tầng bền vững.
Thời gian qua nhiều cửa ngõ phía đông, phía tây đi vào trung tâm TP.HCM thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông.
Những tuyến đường ngoại thành thuộc huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức... kết nối vào khu vực trung tâm bị hư hỏng, xuống cấp phải được tăng cường đầu tư. Khi kết nối hoàn thiện được loạt hạ tầng này, kẹt xe cửa ngõ sẽ giảm.
Các nước châu Á khác cũng ngập nước, kẹt xe sau mưa lớn
Tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm sau những cơn mưa cũng thường xuyên xảy ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Để giải quyết tình trạng này, cảnh sát giao thông được chỉ đạo phối hợp các cơ quan liên quan để dọn dẹp những đồ vật, chướng ngại vật trôi nổi trên đường như cây gãy đổ do mưa lớn, dây điện để hỗ trợ người dân lưu thông.
Cảnh sát cũng khuyến khích người dân hợp tác để đảm bảo an toàn bằng cách kiểm tra tình trạng xe, thời tiết và lộ trình trước khi rời khỏi nhà để hạn chế tình trạng tắc nghẽn mỗi khi mưa lớn.
Tương tự Thái Lan, nhiều đô thị lớn ở Ấn Độ như thủ đô Delhi hay TP Mumbai cũng ghi nhận tình trạng kẹt xe trầm trọng sau những trận mưa lớn. Và tại thủ đô Manila của Philippines, khi trời mưa lớn cũng gây ra tình trạng ngập đường làm một số xe chết máy, khiến xe cộ trên đường di chuyển chậm hơn so với bình thường.
Ám ảnh ngập úng, kẹt xe sau mưa
Tại Hà Nội, những cơn mưa đúng vào giờ cao điểm sáng (6h30 - 8h30) và giờ tan tầm (16h30 - 19h) luôn là nỗi ám ảnh đối với người đi đường.
Hệ quả tất yếu là nhiều tuyến đường ngập úng kèm theo dòng xe cộ kẹt nhiều cây số.
Có ý thức cũng thua với kẹt xe
"Nếu mưa sát hoặc trong khung giờ này thì mình sẽ ở lại công ty đến qua 19h30 mới về", Kim Chi (27 tuổi, ở quận Cầu Giấy) nói, đồng thời nhắc đến cảnh cô từng mắc kẹt hàng chục phút trên những điểm nóng như Ngã Tư Sở, đường Láng...
TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) lý giải một số nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội sau mưa.
Thứ nhất, sau mưa lượng người tham gia giao thông cùng lúc tăng vọt bởi những người đã hoãn lại hành trình của mình khi trời đang mưa. Kết hợp với khung giờ cao điểm, người dân đi làm hoặc tan tầm cùng lúc, khiến hạ tầng không thể đáp ứng nổi.
Thứ hai, mưa khiến đường trơn, ướt, thậm chí ngập úng khiến việc lái xe với tốc độ chậm hoặc không thể di chuyển. Điều này dẫn tới khả năng lưu thoát xe cộ thấp hơn. Đồng thời nhiều xe cùng dồn vào những tuyến đường không bị ngập dẫn đến quá tải, ùn tắc nghiêm trọng.
Về yếu tố ý thức của người tham gia giao thông, ông Tạo cho rằng đây chỉ là một phần của nguyên nhân. "Có ý thức đến đâu mà lượng xe tăng đột biến hoặc đường ngập thì cũng không tránh khỏi ùn tắc", ông Tạo nói.
Phải phát triển giao thông công cộng
Đề xuất giải pháp căn cơ, TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh tới việc giải quyết tốt bài toán thoát nước ở các đô thị lớn, tránh việc để những con đường ngập sâu, trong thời gian dài.
Đồng thời việc hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng cũng là yếu tố sống còn cho giao thông đô thị. Hà Nội cần sớm đầu tư các tuyến đường sắt ở trục cấp thiết như: tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) cùng một số tuyến kết nối hai bên sông Hồng như tuyến số 8 (Cổ Nhuế - đường vành đai 3 - Dương Xá)...
"Ngoài ra lực lượng chức năng mà nòng cốt là cảnh sát giao thông, công an phường... cần tăng cường phân luồng, hướng dẫn xe cộ cũng là yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán kẹt xe này", theo ông Tạo.
Trong khi đó, chỉ huy một đội cảnh sát giao thông quản lý địa bàn phía tây bắc Hà Nội nhận định nguyên nhân chính của ùn tắc giao thông sau mưa là do cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng.
Bởi theo vị này, sau mưa nhiều tuyến đường của Hà Nội thường rơi vào cảnh ngập úng với mức độ nước ngập khác nhau.
Người lái xe thấy nước ngập thì gần như không ai dám đi vào bởi họ không biết rõ độ sâu của nước. Trường hợp không may đi vào đoạn ngập sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
"Bắt buộc phải có lực lượng chức năng túc trực, hướng dẫn người dân thì họ mới đi qua.
Nếu không các xe sẽ đỗ lại gây ùn tắc rất dài", vị chỉ huy cảnh sát giao thông nói và cho biết thêm điều này sẽ dẫn đến tình trạng lực lượng cảnh sát dù tăng cường 100% quân số cũng không thể có mặt ở mọi ngõ ngách, con đường để hướng dẫn xe cộ.
Họ thường lựa chọn bố trí lực lượng ở những tuyến trục chính bị ngập sâu, chia cắt và những nút giao là điểm nóng về ùn tắc.
"Ở mỗi điểm ngập sâu ít nhất phải có 4 - 5 cảnh sát túc trực để hướng dẫn từ xa, đồng thời đứng sẵn ở những điểm có thể đi qua để người dân biết đi vào", vị chỉ huy cảnh sát giao thông tiếp lời và nêu giải pháp: Hà Nội cần sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường vành đai như: đường vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục), đường vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Cầu Giấy), đường vành đai 2.5... và các trục hướng tâm.
Đồng thời tổ chức giao thông bài bản ở các nút giao. Song song đó thành phố cũng cần quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước bài bản, quy mô và tầm nhìn dài hạn, tránh việc vừa làm xong cống mà đường đã ngập phải đào đường lên nâng cấp, cải tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận