25/05/2011 04:04 GMT+7

Để học sinh tham gia "soạn" sách giáo khoa

TS NGUYỄN THÀNH NAM (nhóm Cánh Buồm)
TS NGUYỄN THÀNH NAM (nhóm Cánh Buồm)

TT - Đã có nhiều ý kiến đề nghị để học sinh tham gia biên soạn sách giáo khoa. Nếu điều này được thực hiện sẽ tạo nên chuyển biến rất tích cực trong khâu làm chương trình học, một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách giáo dục sắp tới đây.

Thế nhưng để học sinh có thể phát biểu được ý kiến của mình một cách thực chất mà không sa vào hình thức, khoa trương là một việc khó.

Để lấy ý kiến người lớn, chúng ta có ít nhất hai cách là trực tiếp và gián tiếp. Nhưng việc lấy ý kiến trẻ em hoàn toàn không đơn giản vì học sinh chủ yếu “phát biểu nguyện vọng” và “trả lời” người lớn theo cách gián tiếp. Chúng tôi xin đề xuất lại một cách “lấy ý kiến” học sinh. Đó cũng là phương thức giáo dục thực nghiệm mà GS Hồ Ngọc Đại và các cộng sự đã triển khai trong hơn 30 năm cuối thế kỷ trước. Đó là mô hình giáo dục với ba cung đoạn: thực nghiệm - sư phạm - đại trà.

Cung đoạn thứ nhất là thực nghiệm. Tuy nói “thực nghiệm” nhưng đó không phải là việc làm vu vơ, vô nguyên tắc. Ngay từ giai đoạn thực nghiệm, nhà sư phạm có nghề và có tấm lòng tìm cách làm sao cho mỗi học sinh đều có được một sự trưởng thành tự nhiên về cơ thể và phát triển tự nhiên về tinh thần (Hồ Ngọc Đại).

Trong cung đoạn này, sau khi xây dựng xong chương trình giáo dục sẽ được đưa vào dạy tại trường thực nghiệm để “lấy ý kiến học sinh” dưới sự theo dõi chặt chẽ của các chuyên gia. Kết quả thực nghiệm thu được là những dữ liệu khoa học quan trọng giúp việc hoàn thiện chương trình trước khi chuyển sang cung đoạn tiếp theo. Chính vì vậy có thể coi “trường thực nghiệm như một chiếc van an toàn lắp vào giải pháp giáo dục” (Hồ Ngọc Đại).

Về đại thể, những ý kiến thu được có thể phân ra như sau: loại ý kiến thứ nhất giúp hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp thực hiện: trẻ em “trả lời” cho nhà giáo dục đâu là thứ các em thật sự cần và nên triển khai chương trình giáo dục trong thực tế như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Loại ý kiến thứ hai giúp điều chỉnh và cập nhật các chương trình hiện hành: trẻ em cho nhà giáo dục biết rằng điều các em cần ngày hôm nay khác cái các em cần ngày hôm qua như thế nào. Và việc điều chỉnh nội dung chương trình học nên được thực hiện ra sao để đáp ứng tốt nhất mọi đòi hỏi của cuộc sống hôm nay.

Sau cung đoạn thực nghiệm, về cơ bản chúng ta đã có được một chương trình học hoàn thiện về nội dung, tối ưu về phương pháp thì sẽ triển khai tiếp cung đoạn thứ hai là sư phạm hóa, tức đào tạo thầy cô giáo - những người sẽ trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy ở quy mô đại trà.

Lâu nay vẫn thấy nói sư phạm đi trước một bước, nhưng đã bao giờ có ai thực hiện được chân lý hiển nhiên đó? Thiếu một cung đoạn nghiên cứu thực nghiệm thì làm sao có nội dung cho một ngành sư phạm khỏi bị xơ cứng và lỗi thời?

Cung đoạn sau cùng trong một chu kỳ phát triển của mô hình giáo dục là triển khai chương trình học ở quy mô đại trà nhằm đảm bảo yếu tố ai cũng được học. Lúc này là lúc công việc được chuyển sang cho các nhà quản lý giáo dục và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Khâu đại trà sẽ tiếp tục cung cấp trở về nguồn thực nghiệm những câu trả lời vô cùng quan trọng để có những điều chỉnh thích hợp.

Và bất cứ sự điều chỉnh nào cũng phải được bắt đầu từ cung đoạn thực nghiệm, tức bắt đầu một chu kỳ mới trong vòng quay vô tận của sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục.

TS NGUYỄN THÀNH NAM (nhóm Cánh Buồm)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp