03/09/2012 04:20 GMT+7

Để giữ một dòng kênh đẹp

M.HƯƠNG - Y.TRINH - Đ.PHI
M.HƯƠNG - Y.TRINH - Đ.PHI

TT - Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) giai đoạn 1 mới khánh thành hơn 10 ngày. Niềm vui một công trình làm đẹp TP còn đó thì nhiều người đã lại phải âu lo: không khéo giữ, coi chừng kênh chết lần nữa.

5THykMIh.jpgPhóng to
Nhiều bao rác được ném thẳng xuống kênh nổi lềnh bềnh

Chỉ cần phóng xe chạy một vòng tham quan thực tế kênh Nhiêu Lộc, bạn sẽ thấy choáng váng vì rác vẫn còn lềnh bềnh, và mùi hôi bốc lên từ dòng kênh vẫn rất đậm. Trái ngược với sự mới mẻ, sáng sủa của cảnh vật hai bên dòng kênh là hình ảnh bên dưới lòng kênh. Vừa thả bộ trên đường Trường Sa, ông Nguyễn Gia Hào, nhà ở P.7, Q.3, nói: “Sau khi TP cắt băng khánh thành, con kênh như người được mặc áo mới. Áo thì mới nhưng mà người vẫn còn chưa sạch. Người không giữ vệ sinh thường xuyên thì áo mới mặc riết rồi cũng cũ, cũng dơ”.

Điệp khúc xả rác

Dọc theo kênh, nhất là khu vực chân cầu Thị Nghè 1 (Q.1), cầu Lê Văn Sỹ (Q.3), cầu Bông (Q.Bình Thạnh)... rác vẫn còn ùn ứ, mùi hôi thối theo gió bốc lên. Ông Lưu Văn Phước, 70 tuổi, nhà ở gần cầu Lê Văn Sỹ (P.7, Q.3), cho biết: “Rác tồn đọng nhiều như vậy một phần là do người dân thải xuống. Ở phía đường Hoàng Sa chỗ chúng tôi sống không có điểm tập kết rác, mà người đi thu gom rác thì giờ giấc bất thường nên nhiều nhà quăng đại xuống kênh”.

Tình trạng người dân vứt rác xuống kênh diễn ra khá thường xuyên. Một người dân sống ở đường Hoàng Sa, P.5, Q.Tân Bình cho biết: “Tối tối tôi vẫn thấy người dân đổ rác sinh hoạt xuống kênh. Trước đây, cứ mỗi dịp cuối năm họ dọn dẹp nhà cửa còn bỏ cả bàn ghế cũ xuống kênh”. Ở sát cầu Kiệu (đường Hai Bà Trưng, Q.1), nhiều vựa ve chai đang phân loại rồi tiện tay vứt những rác thừa xuống kênh. Trên mặt kênh rác vẫn quây thành từng mảng lớn.

Người hiểu rõ dòng kênh nhất chính là các công nhân vớt rác trên kênh. Từ 6g sáng, 22 công nhân của tổ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chia nhau ba người một canô chạy dọc theo kênh. Tại chân cầu Bông (Q.Bình Thạnh), nhóm của anh Thành Long (37 tuổi) người thì giữ neo canô bám sát chân cầu, người cầm vợt hì hụi vớt rác. Anh Long kể: “Nhiều khi đang vớt, chúng tôi thấy người dân quăng rác xuống. Mình nhắc nhở thì họ cự lại, có khi họ còn quăng rác trúng đầu tôi luôn”. Còn anh Ngô Kiến Dũng kể: “Không chỉ đổ rác sinh hoạt, nhiều người còn vứt xác súc vật xuống kênh. Vớt rác loại đó là ngán nhất, tanh hôi không chịu được”.

Ông Huỳnh Quang Đông, tổ phó tổ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nói: “Mỗi ngày chúng tôi vớt khoảng 200 thùng rác các loại trên kênh. Nhiều nhất là rác sinh hoạt, xác súc vật, và những thứ khó phân hủy như bọc nilông, đồ hộp, chai lọ... Cách đây nửa tháng, một công nhân vớt trúng bọc đựng kim tiêm rồi xách bỏ vào thùng rác thì bị kim đâm, sốt hết mấy ngày”.

Theo ông Đông, tuy dòng kênh đã được cải tạo, cảnh quan đẹp nhưng người dân vẫn chưa bỏ được thói quen vứt rác xuống kênh. “Tuy so với mấy năm trước, lượng rác cũng giảm phần nào nhưng những lúc nước ròng (khoảng giữa trưa và chiều tối), rác ùn đặc ở các chân cầu, anh em vớt hoài cũng không hết”.

Nq9I27PI.jpgPhóng to
Sáng 2-9, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở chân cầu Kiệu lềnh bềnh rác

Thay đổi thói quen xấu

Dọc theo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ Q.3 xuống phía sông Sài Gòn, từng tốp công nhân đang trồng cỏ và thi công công trình còn dang dở. Đoạn đường chỉ chừng 2km nhưng tổng cộng có đến hơn mười băngrôn nhắc nhở người dân không xả rác và giữ vệ sinh khu vực kênh. Phải mất gần 20 năm, với rất nhiều chi phí và không ít quyết tâm, TP.HCM mới cải tạo được tình trạng ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện được cảnh quan của dòng kênh từng bị chết danh là “kênh đen”, “kênh thối”. Nhưng chuyện khó làm nhất là cải tạo thói quen xả rác bừa bãi xuống lòng kênh của người dân nơi đây.

Ông Lê Thanh Tú, nhà ở đường Hoàng Sa, P.7, Q.3, nói thỉnh thoảng cũng ra chân cầu Lê Văn Sỹ câu cá với bạn bè. “Tôi đi câu cho vui vậy thôi, ít khi dính cá lắm. Nước đen, lại chưa sạch rác như vầy thì cá chưa thể về nhiều được” - ông Tú nói.

Khoảng gần 9g sáng, hai người đàn ông dừng xe, mỗi người xách một bịch cá đến sát bờ kênh. Nhân ngày lễ Vu lan, họ đem cá ra đây phóng sinh. “Đọc báo thấy TP đã khánh thành công trình cải tạo kênh nên mùa Vu lan năm nay, tụi tui mua cá ra đây thả, hi vọng cá sống được” - một người cho biết.

Vừa khệ nệ xách bịch rác ra đổ vào thùng rác được lắp đặt ven kênh, bà Ngô Thị Hồng Hạnh phân trần: “Kể ra đem rác ra đây bỏ vô thùng thì không tiện tay bằng quăng thẳng xuống kênh. Nhưng kênh bây giờ đã đẹp hơn rồi. Người dân có ý thức thêm một chút, phải thay đổi thói quen xấu thì sức khỏe dòng kênh mới khá lên được. Nói như trên báo đài là kênh được hồi sinh. Nhưng người thập tử nhất sinh vừa mới sống lại thì phải chăm cho kỹ, kẻo lại đột tử lần nữa thì muốn cứu cũng khó”.

AmUvmLZo.jpgPhóng to

Tấm bảng “cấm đổ rác” bị đập bể - Ảnh: Thuận Thắng

Tuyên truyền tích cực hơn

Ông Nguyễn An Ninh, phó chủ tịch UBND P.7 (Q.3), cho biết hiện nay trên địa bàn phường, dù chưa phải là tất cả nhưng nhiều bà con đã có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhiều năm qua trên địa bàn phường đã có quy định không cho tập kết rác trên tuyến đường Hoàng Sa. Vì phường cho rằng làm vậy sẽ gây cản trở giao thông, hôi thối cho các hộ dân sinh sống gần đó và mất mỹ quan đô thị. Do vậy, phường quy định giờ để các cơ sở lấy rác từ nhà người dân là từ 15g-19g mỗi ngày.

“Sắp tới phường sẽ tích cực tuyên truyền hơn nữa để động viên bà con có ý thức giữ gìn vệ sinh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hướng đến tạo mỹ quan đô thị, cảnh quan và không gian kênh” - ông Ninh nói.

M.HƯƠNG - Y.TRINH - Đ.PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp