13/09/2022 09:03 GMT+7

Để đường sách thành công: Sách thôi chưa đủ

MAI THỤY - TRẦN MẶC
MAI THỤY - TRẦN MẶC

TTO - Khi TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) công bố dự án xây dựng đường sách cho địa phương, người làm sách vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm một địa điểm mới để phát triển văn hóa đọc, nhưng lo bởi nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Để đường sách thành công: Sách thôi chưa đủ - Ảnh 1.

Ngoài Đường sách TP.HCM đang tạo ra nguồn doanh thu tốt, các đường sách còn lại trên cả nước vẫn chưa hiệu quả. Trong ảnh: độc giả xin chữ ký của TS Nguyễn Xuân Xanh tại buổi ra mắt sách Việt Nam hôm nay và ngày mai ở Đường sách TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 9-9, lãnh đạo TP Cao Lãnh tổ chức buổi thông tin về dự án đường sách ở địa phương (dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 11 tới đây). Chương trình diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).

Theo đó, dự án Đường sách TP Cao Lãnh sẽ được xây dựng trên khu vực công viên Văn Miếu (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), bên cạnh khu vực hồ Khổng Tử với 19 gian hàng. Đây sẽ là đường sách đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là đường sách thứ 5 trên cả nước.

Mật độ dân cư đóng vai trò quan trọng

Có mặt tại buổi công bố, đại diện một số nhà xuất bản không giấu sự ngần ngại khi được hỏi về khả năng tham gia dự án. Bà Đinh Thanh Thủy - giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM - cho biết hiện nay mật độ dân cư ở TP Cao Lãnh còn khá thấp, khoảng 250.000 dân, nên việc tiếp cận đến đông đảo bạn đọc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện đã có 4 đường sách trên cả nước, tuy nhiên Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM chỉ đặt gian hàng tại TP.HCM. 

"Chúng tôi đã từng cân nhắc mở cửa hàng tại Phố sách Hà Nội nhưng lại không thực hiện vì chi phí bỏ ra quá lớn. Ví dụ, ở Đường sách TP.HCM, chi phí ban đầu để xây dựng khoảng 500 triệu đồng và phí quản lý hằng tháng tầm 10 triệu đồng. 

Với vị trí trung tâm thành phố và với sức mua tại đây thì chi phí trên nằm trong mức chấp nhận được. Còn ở Hà Nội thì chi phí ban đầu lớn hơn mức này nhiều. Và có vẻ đường 19-2 (con đường đặt Phố sách Hà Nội - PV) không phải là nơi người dân qua lại tấp nập giống khu vực quanh đường sách Nguyễn Văn Bình - TP.HCM" - bà Đinh Thanh Thủy chia sẻ.

Vấn đề mật độ giao thông cũng là bài toán đối với kế hoạch đường sách ở quận 7 (TP.HCM). Mặc dù đã có chủ trương từ năm 2017, thế nhưng đến nay người dân quận 7 vẫn chưa thể đón một đường sách ngay trên địa bàn. 

Bà Thủy cho biết con đường UBND quận 7 chọn mở đường sách nằm ở một khu vực khá vắng vẻ. Khi đi thực địa, các nhà xuất bản đã đề xuất quận chọn địa điểm khác, giao giữa các phường và có xe lưu thông đông đúc.

Về dự án Đường sách TP Cao Lãnh, anh Lưu Sĩ Dương - đại diện Công ty Sách Thái Hà (Thái Hà Books) - cho biết: "Bên chúng tôi đã tham gia hai đường sách, một là đường sách ở TP.HCM, hai là ở Hà Nội. Mỗi đường sách sẽ có một khó khăn nhất định. 

Khi nghe đến đường sách ở TP Cao Lãnh, dưới góc độ một nhà phát hành chúng tôi rất vui khi lãnh đạo thành phố quan tâm đến văn hóa đọc, nhưng vẫn còn hơi lo.

Thứ nhất là về sức đọc của khu vực miền Tây. Theo nhận định về thị trường của chúng tôi, sức đọc hay văn hóa đọc ở đó vẫn còn khá yếu và chưa được chăm lo, phát triển sao cho xứng tầm với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Thứ hai, vì chưa có điều kiện khảo sát địa điểm thực tế cho nên chúng tôi vẫn còn thắc mắc về sự liên kết của khu vực. Một đường sách muốn thành công thì sự liên kết ở các điểm là rất quan trọng. Nếu như có thể liên kết các điểm, tạo thành một hệ sinh thái thì sẽ có hiệu ứng cộng hưởng và thành công như đường sách ở TP.HCM. 

Thứ ba là mô hình quản lý. Mỗi nơi sẽ có một mô hình quản lý khác nhau. Để mô hình quản lý có thể chủ động hơn, cần có một đơn vị hoặc công ty đứng ra quản lý giống như Đường sách TP.HCM. 

Từ đó việc tổ chức sự kiện hay thực hiện các chương trình trên đường sách cũng sẽ linh động hơn".

"Xương sống" của đường sách là các sự kiện

Trong 4 đường sách trên cả nước, duy chỉ có đường sách Nguyễn Văn Bình là do Hội Xuất bản Việt Nam điều hành. 

Phố sách Hà Nội thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hoàn Kiếm. Đường sách ở Vũng Tàu và ở Buôn Ma Thuột do 2 đơn vị chuyên về sự kiện đứng ra tổ chức.

Theo ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ngoài đường sách Nguyễn Văn Bình đang tạo ra nguồn doanh thu tốt thì các đường sách còn lại trên cả nước vẫn chưa hiệu quả và đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. 

Để trang trải chi phí, những doanh nghiệp đóng tại đây phải kết hợp kinh doanh thêm thức uống, văn phòng phẩm. "Khó khăn có thể đến từ việc sức mua sách ở những nơi này chưa cao. Ngoài ra, họ cũng gặp khó khăn trong nghiệp vụ tổ chức hoạt động giao lưu, giới thiệu sách, sự kiện văn hóa để lôi kéo người dân đến với sách. 

Thực tế, Công ty Đường sách TP.HCM thuộc Hội Xuất bản Việt Nam nên đây gần như là hoạt động chuyên ngành, thành ra việc tổ chức chương trình sẽ thuận tay hơn" - ông Lê Hoàng phân tích.

Đại diện Thái Hà Books, anh Lưu Sĩ Dương chia sẻ về kinh nghiệm duy trì kinh doanh ở đường sách: "Về kinh doanh, chúng tôi nghĩ quan trọng nhất là sự tham gia của các đơn vị xuất bản. Vì chính các đơn vị xuất bản sẽ có nội lực để phát triển. 

Ví dụ như về nội dung, các đơn vị như Thái Hà, Trẻ, Kim Đồng... bản thân họ có nội lực và làm được các sự kiện. Họ là những người sản xuất cho nên sẽ hiểu được các sản phẩm để làm các chương trình hay các sự kiện ra mắt sách. 

Thứ hai, cần có sự kết hợp của TP Cao Lãnh để các đơn vị, các trường học và cơ quan ban ngành tới đường sách tổ chức sự kiện liên quan đến văn hóa đọc".

Đường sách TP.HCM có doanh thu hơn 20 tỉ đồng 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, doanh thu đường sách Nguyễn Văn Bình rơi vào khoảng 20,6 tỉ đồng, gần xấp xỉ thời điểm trước dịch.

Với hàng trăm sự kiện được tổ chức mỗi năm gắn với các lễ hội lớn nhỏ và quy tụ nhiều đoàn thể đến tham dự, có thể nói định hướng của Công ty Đường sách TP.HCM đã thu về quả ngọt.

Cũng theo ông Lê Hoàng, trong thời gian sắp tới, Công ty Đường sách TP.HCM sẽ phát triển theo hướng trở thành một đơn vị quản lý và vận hành đường sách chuyên nghiệp thay vì chỉ tư vấn cho các địa phương như trước đây.

Điều này đồng nghĩa với việc Công ty Đường sách TP.HCM sẽ không gói gọn phạm vi hoạt động của mình ở TP.HCM mà sẽ mở rộng sang những địa điểm khác để phát huy thế mạnh tổ chức sự kiện văn hóa đọc.

Triển khai dự án đường sách đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long Triển khai dự án đường sách đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long

TTO - Ngày 9-9, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ, công bố về dự án Đường sách thành phố Cao Lãnh. Đây sẽ là đường sách đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là đường sách thứ 5 trên cả nước.

MAI THỤY - TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp