Sự ra đi đột ngột của cô giáo khiến cho nhiều người có sự hình dung rõ nét hơn về sự hiểm nguy của nghề dạy học ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, những mường tượng từ một câu chuyện cụ thể đó chỉ là một phần của bức tranh dạy học ở vùng cao, vùng sâu đã và đang diễn ra. Ở nhiều nơi hiện nay, giáo viên vẫn phải đối diện với vô vàn khó khăn. Khó khăn do điều kiện sống thiếu thốn, nhà công vụ không có hoặc có nhưng tồi tàn, điều kiện để học tập, nâng cao nghiệp vụ hạn chế. Nhiều giáo viên vẫn phải đi về trên các chặng đường hiểm trở trong khi phải gửi con nhỏ ở quê để dạy học ở vùng sâu, vùng xa.
Đặc thù của nhiều địa phương, nơi giáo viên cắm bản cũng đòi hỏi các thầy cô phải nỗ lực trong các hành trình vượt khó khác nhau. Tại Hà Giang, hiện thời nhiều giáo viên vẫn phải dạy học ở địa bàn không có điện, không có nước sạch. Ở các vùng núi khu vực miền Trung, năm nào cũng đối diện với bão lũ.
Ở những nơi hẻo lánh, không có cầu đường qua sông, các thầy giáo được "ưu tiên" phân công bám lớp. Các thầy không chỉ dạy học mà còn phải biết bơi để bơi đến điểm trường vào những ngày mưa lũ. Khi điểm trường bị cô lập, cũng các thầy lại là những người đầu tiên bơi ra ngoài để tìm kiếm đồ ăn, nhận hàng cứu trợ cho bọn trẻ ở điểm trường.
Không thể kể được hết những gian nan mà giáo viên cắm bản phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Mà điều đầu tiên trong vô số vất vả, hiểm nguy là con đường đến trường của thầy cô giáo.
Trong những năm gần đây, các chế độ, phụ cấp đối với nhà giáo cũng được cải thiện. Giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu khi công tác ở vùng khó khăn, trợ cấp tham quan, học tập bồi dưỡng chuyên môn, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp dạy tiếng dân tộc…
Nhưng các chế độ đãi ngộ lại không giúp giáo viên giải quyết được nhiều khó khăn thực tế như giảm nguy hiểm, rủi ro trên hành trình đến trường, hay trong những hoàn cảnh đặc biệt như gặp thiên tai, bão lũ. Cuộc sống quá khắc nghiệt ở vùng khó khăn khiến nhiều giáo viên dẫu có thu nhập ổn định cũng không thể có cuộc sống bình thường như giáo viên vùng xuôi.
Ngoài việc thúc đẩy các giải pháp nâng cao cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện, nước sạch ở các vùng khó khăn, riêng ngành giáo dục cần rà soát và thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển giáo viên để những giáo viên đã công tác lâu năm ở vùng khó được chuyển về nơi thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm nâng cao đời sống giáo viên để họ yên tâm gắn bó với trường, lớp không chỉ có việc trả lương, phụ cấp mà cần triệt để trong việc xây dựng nhà ở công vụ, bếp ăn tập thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giáo viên có điều kiện tương tác, giao lưu, học tập, nâng cao đời sống tinh thần.
Hy vọng rằng những giải pháp giúp cho nghề giáo bớt khó khăn, nguy hiểm tới đây sẽ cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn để sự ra đi của cô Yến không hoài phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận