Hiện có thể dễ dàng mua thẻ cào và dùng vào nhiều mục đích khác nhau - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Đa số các vụ việc mất tiền trong tài khoản thời gian qua tại một số ngân hàng đều chuyển vào tài khoản game
Chuyên gia thanh toán NGUYỄN ÁI DÂN
Thanh khoản của điện thoại hiện rất cao, nhiều nơi có thể xem như tiền, đã dẫn đến những biến tướng khó kiểm soát.
Chỗ ẩn nấp của tiền bất hợp pháp?
Gõ cụm từ "" trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,52 giây đã cho ra đến hơn 78.000 kết quả, bao gồm cả clip hướng dẫn.
Hàng loạt trang web cung cấp dịch vụ này giúp người dùng dễ dàng đổi thẻ cào, thẻ game, thẻ điện thoại lấy tiền bằng cách tạo một tài khoản và đăng nhập vào hệ thống. Sau đó nạp thẻ cào vào tài khoản rồi đổi ra tiền.
Các trang web này cũng quảng cáo là hỗ trợ chuyển khoản ngân hàng trực tuyến để khách hàng có thể rút tiền về tài khoản trong vòng 5 phút. Mức phí dao động 11-20%, tùy loại thẻ cào.
Hiện các dịch vụ đổi thẻ cào, thẻ game, thẻ điện thoại lấy tiền hoạt động rất công khai, thậm chí quảng cáo rầm rộ.
Tại một trang web, khi nêu lý do vì sao cần đổi thành tiền như đã quảng cáo, dịch vụ này cho biết phục vụ những người chơi game đổi thưởng thẻ cào, trúng được rất nhiều thẻ và có nhu cầu đổi thẻ điện thoại thành tiền mặt. Vì "mục đích chơi game không chỉ đơn thuần là để giải trí nữa mà chủ yếu là để kiếm thẻ cào và đổi chúng ra tiền mặt".
Chuyên gia Ngô Minh Sang cho hay từ vụ triệt phá hai cổng game trá hình Rikvip và Tip.club, có thể lật lại câu chuyện về tội phạm thẻ bùng phát trong những năm gần đây với những trò lừa như tấn công Facebook rồi giả làm người quen nhờ nhận tiền chuyển về từ nước ngoài.
Nhiều trường hợp sau khi nạn nhân trình báo, ngân hàng lần theo dấu vết thì số tiền được dùng để mua ngay thẻ game hay thẻ cào điện thoại và... mất dấu tích. Rất có thể sau đó số thẻ cào này lại được hoán chuyển theo phương thức như trên để thành tiền mặt hoặc "nướng" vào các sới bạc online.
Bên cạnh đó là hàng loạt trò lừa đảo, như nhờ nạp thẻ điện thoại hoặc lừa đảo nạp mã số thẻ cào điện thoại để "làm thủ tục nhận thưởng".
Thậm chí, đã có trường hợp lập ra cả trang web rao bán quần áo, giày dép với giá rất rẻ nhưng không nhận bằng tiền mà bằng thẻ cào. Sau khi nhận được thẻ cào thì chúng khóa luôn tài khoản người mua.
Biến tướng khó kiểm soát
Theo các chuyên gia, do hiện nay thanh khoản của thẻ cào điện thoại rất cao, có thể xem như tiền đã dẫn đến những biến tướng khó kiểm soát.
Chuyên gia thanh toán Nguyễn Ái Dân cho rằng đa số các vụ việc mất tiền trong tài khoản thời gian qua tại một số ngân hàng đều chuyển vào tài khoản game. Tiền chuyển vào tài khoản game rất nhanh và không thể lấy lại được.
Ông Dân cũng đặt ra vấn đề cơ chế kiểm soát rủi ro cũng như làm sao để đưa ra giải pháp ngăn chặn tiền được chuyển vào nhằm phục vụ mục đích đánh bạc.
Nguy hiểm hơn, theo ông Dân, việc chuyển tiền từ tài khoản game sang tài khoản ở nước ngoài cũng rất dễ dàng. Nhà nước dường như không thể kiểm soát được.
Muốn siết được game cờ bạc, game lậu, theo ông Đỗ Hữu Trí, phó chánh thanh tra Bộ TT&TT, dứt khoát phải quản được thanh toán bằng thẻ cào điện thoại.
"Chỉ được dùng thẻ cào để nghe, gọi, nhắn tin trên điện thoại và có thể thanh toán một số dịch vụ hàng hóa hợp pháp" - ông Trí nhấn mạnh.
Đưa vào khuôn khổ
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo giám sát các hệ thống thanh toán.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho hay các dịch vụ thanh toán phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ cuối cùng tuy không tạo ra rủi ro hệ thống cho toàn bộ hệ thống tài chính nhưng đã đặt ra thách thức mới trong vấn đề quản lý an ninh, an toàn giao dịch thanh toán; tội phạm công nghệ cao; bảo vệ người tiêu dùng...
Vậy hiện luồng tiền này có qua các cổng thanh toán và cơ quan nhà nước có kiểm soát được hay không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Cường, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết với các giao dịch thanh toán qua tài khoản và thẻ ATM mới qua cổng thanh toán, còn với các giao dịch qua ví điện tử thì không.
Vậy kiểm soát thế nào?
Đại diện một cổng thanh toán cho biết khi chủ thẻ thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán, công ty chỉ truyền đi "thông điệp" đến ngân hàng phát hành thẻ rằng chủ thẻ muốn mua hàng trên trang web nào đó để từ đó ngân hàng kiểm tra xem tài khoản của chủ thẻ có đủ để chi hay không, nếu đủ thì đồng ý chuẩn chi.
Cổng thanh toán này khẳng định: không liên quan đến dòng tiền thanh toán cũng như không nhìn được dịch vụ.
"Tuy nhiên qua sự việc này phía công ty và các ngân hàng sẽ đánh giá lại quy trình và những vấn đề liên quan. Nhưng đó chỉ là một bước, quan trọng hơn là phải quản lý việc cấp phép kinh doanh, quản lý ra sao để tránh việc biến tướng", vị đại diện này nói.
Ông Đỗ Hữu Trí (phó chánh thanh tra Bộ TT&TT):
Đang nghiên cứu giải pháp ngăn chặn
Ông Đỗ Hữu Trí
Tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã cung cấp game cờ bạc trên mạng rồi cho đổi điểm ra tiền mặt bằng hình thức dùng thẻ điện thoại thanh toán qua các cổng trung gian thanh toán, sau đó chuyển sang tài khoản ngân hàng và rút ra thành tiền mặt.
Bộ TT&TT đang nghiên cứu để đề xuất giải pháp ngăn chặn các kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp, trong đó có game lậu, game cờ bạc, thanh toán qua ngân hàng hoặc bằng thẻ cào điện thoại.
Tiền thắng bạc được đổ vào ví trong kênh thanh toán. Nguyên tắc tiền trong ví được chuyển qua ngân hàng và chủ tài khoản ngân hàng mới rút tiền ra được. Nhưng thực tế, tiền thường được rút ngay từ cổng trung gian thanh toán...
Trong khi thông tin chủ tài khoản ngân hàng chính xác thì thông tin ở ví điện tử đôi khi không chính xác, nhiều thông tin ảo. Lỗ hổng là ở đây. Nên cũng phải siết cả việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận