16/06/2019 10:56 GMT+7

Để đại học tự chủ toàn diện - Kỳ 4: Nhìn từ các nước ASEAN

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Những quốc gia có trình độ phát triển giáo dục được đánh giá nhỉnh hơn Việt Nam trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan cũng đã và đang đi theo xu hướng tự chủ ĐH.

Để đại học tự chủ toàn diện - Kỳ 4: Nhìn từ các nước ASEAN - Ảnh 1.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên ĐH Quốc gia Singapore - một trong những đại học hàng đầu thế giới - Ảnh: The Strait Times

Dù khác nhau ở từng nước, đích đến cuối cùng của chính sách tự chủ đều là sự đi lên của nền giáo dục ĐH nước nhà.

Những thỏa thuận giữa trường và chính phủ

Trong số 6 trường ĐH công lập tự chủ ở Singapore hiện nay, có đến 2 trường nằm trong top 20 thế giới theo đánh giá của Hệ thống tư vấn thị trường giáo dục Anh năm 2015 là ĐH Quốc gia Singapore - hạng 12 và ĐH Công nghệ Nanyang - hạng 13.

Theo Báo cáo tự chủ ĐH: Hướng tới bước nhảy vọt mạnh mẽ (2005) của Chính phủ Singapore, dù tự chủ, các trường ĐH nước này vẫn nhận được hỗ trợ kinh phí hoạt động 75 - 90% từ nhà nước - đây là lý do mà nhiều chuyên gia thường nhận xét xu hướng của Singapore chỉ là bán tự chủ. Tuy nhiên, với các trường ĐH ở Singapore, tiền từ chính phủ lại là một điều tốt bởi thêm được một khoản chi tiêu hằng năm.

Các trường còn được ưu đãi về nhiều cơ chế thoáng. Chẳng hạn, theo trang The Strait Times (Singapore), hội đồng trường được ghi nhận quyền lãnh đạo cao nhất, có thể quyết định mọi chiến lược phát triển bao gồm tuyển sinh, nhân sự, phân bố kinh phí, lương, thưởng... 

Thông thường, hội đồng trường khoảng 20 người, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, các doanh nhân thành công. Dưới hội đồng trường có 8 - 10 ban chuyên trách để giúp và cùng với hiệu trưởng trực tiếp điều hành các quyết sách của hội đồng trường.

Hỗ trợ cả về tiền và cơ chế, Chính phủ Singapore chỉ "lấy" lại thứ duy nhất từ các trường ĐH là chất lượng. Cụ thể, các trường tự chủ phải thông qua khung thỏa thuận trách nhiệm với nhà nước, trong đó đầu tiên là thỏa thuận về học thuật. 

Thỏa thuận này do nhà trường vạch ra và phải được Bộ Giáo dục phê duyệt, trong đó nêu rõ chất lượng đào tạo, nhân sự, chuẩn đầu ra, các chỉ tiêu về hoạt động nghiên cứu khoa học, các chi tiết về dịch vụ xã hội của trường.

Hai thỏa thuận còn lại là về chính sách - trong đó xác định rõ phạm vi tự chủ, các hình thức chế tài nếu trường vi phạm và thỏa thuận về chương trình chung nhằm đảm bảo các trường sẽ thực hiện theo quy hoạch phát triển tổng thể do chính phủ đề ra.

Hằng năm, nhà trường sẽ phải báo cáo và công khai về tình trạng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục. Bên cạnh đó, cứ 5 năm các thỏa thuận giữa trường và nhà nước sẽ được điều chỉnh nhằm đáp ứng sự phát triển mới. 

Bộ thường mời bên thứ ba đánh giá độc lập về chất lượng các trường so với chuẩn quốc tế, trong đó chú trọng đến chương trình, khả năng của sinh viên sau tốt nghiệp và các nghiên cứu khoa học của nhà trường để dựa vào đó có những can thiệp kịp thời.

Với giảng viên tại Singapore, Bộ Giáo dục nước này áp hẳn một tiêu chuẩn cụ thể đòi hỏi cao về học thuật và kinh nghiệm, trong đó giảng viên nước ngoài được quan tâm đặc biệt. Không dừng lại ở tiêu chuẩn, ông Ong Ye Kung - bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore - cho biết kể từ năm 2015, bộ cùng ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang đã chi hơn 11 triệu USD mỗi năm cho các chương trình nâng cao năng lực của giảng viên bản địa, để vừa đáp ứng chất lượng quốc tế vừa giữ được tinh thần Singapore.

Tự chủ ĐH hay tự do học thuật?

Tháng 5-2018, trang The New Strait Times (Malaysia) đưa tin Bộ Giáo dục nước này đã chính thức chuyển các trường cuối cùng trong tổng số 20 trường ĐH công lập ở nước này sang cơ chế tự chủ, đồng nghĩa tất cả trường ĐH công lập ở Malaysia đang hoạt động tự chủ.

Dù có "mác" tự chủ, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là bề nổi và không thật sự gắn với thực chất theo tiêu chuẩn của nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, hội đồng trường và hiệu trưởng vẫn do bộ trưởng bổ nhiệm, hay hiệu trưởng khi muốn đi công tác nước ngoài vẫn phải thông qua hội đồng trường hay bộ trưởng. Bên cạnh đó là những quy định còn ngặt nghèo về ngân sách, hay tái đầu tư phát triển của từng trường.

GS.TS Azhar Zahid - phó hiệu trưởng ĐH Malaysia Perlis - cho rằng dù ai cũng biết tự chủ ở đây không đồng nghĩa với thực quyền hoàn toàn, tuy nhiên hầu hết các trường đều thấy "dễ thở". "Rõ ràng có những lĩnh vực chúng ta có thể hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất là các trường ĐH có quyền tạo ra những lợi thế riêng cho chất lượng giảng dạy của mình" - ông Zahid nói.

Trong khi đó, trong một bài bình luận trên trang Malay Mail, TS Chang Da Wan - chuyên nghiên cứu về giáo dục ĐH thuộc ĐH Sains Malaysia - nhận xét nhiều trường ĐH ở Malaysia hài lòng nhất với sự tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, miễn là không quá nhạy cảm.

Ông cho rằng các trường đang xem sự tự do học thuật mà nhà nước mang lại đồng nhất với sự tự chủ ĐH, và ra sức đẩy mạnh sự tự do này để đem về lợi ích cho trường mình. Tập trung nguồn lực vào thiết kế chương trình giảng dạy sao cho phù hợp và có tính cạnh tranh nhất, các trường ở Malaysia ngày càng phát triển trong sự tự chủ riêng của mình. Kết quả, trong 20 trường có 7 trường lọt top 700, 2 trường vào top 200 và 1 trường vào top 100 các trường ĐH hàng đầu thế giới.

Tự chủ = học phí cao

Theo trang The Bangkok Post, dù có đến khoảng 160 trường ĐH và CĐ, tuy nhiên thứ hạng các trường ở Thái Lan trên các bảng xếp hạng quốc tế đã thua xa so với các nước láng giềng như Singapore hay Malaysia.

Vấn đề cải cách giáo dục hay tự chủ ĐH luôn làm đau đầu các vị bộ trưởng Bộ Giáo dục nước này. Sức ép lớn đến nỗi chỉ trong vòng 18 năm (2000 - 2018), nước này thay tới 21 vị bộ trưởng giáo dục khác nhau.

Hiện tại, Thái Lan có 27 trường ĐH theo hình thức tự chủ. Tuy nhiên, khi chi phí không còn được trợ cấp, gánh nặng tài chính sẽ thuộc về các trường ĐH và cuối cùng lại thuộc về người học. Theo thống kê của trang University World News, học phí các trường ĐH ở Thái Lan trong khoảng thời gian từ 2008 - 2015 đã tăng 40 - 60%.

Gánh nặng học phí đã khiến nhiều sinh viên phản đối việc tự chủ ĐH diễn ra mỗi năm, và còn dẫn đến tình trạng sinh viên chủ yếu chọn học những ngành nghề có khả năng kiếm nhiều tiền cao sau khi tốt nghiệp.

Chẳng hạn, học phí Trường ĐH Burapha đã tăng gần 50% sau 10 năm tự chủ. Số lượng học sinh đăng ký vào trường dù tăng theo chất lượng, tuy nhiên phân nửa đăng ký vào các ngành kinh doanh, những ngành bình bình lại thiếu trầm trọng.

"Chính quyền dường như đẩy gánh nặng tài chính về các trường ĐH và dường như chính quyền đang lờ đi vấn đề giáo dục của người dân" - Kengkij Kitirianglarp, giảng viên khoa xã hội học ĐH Chiangmai (ngôi trường đã chuyển sang tự chủ từ năm 2008), nói.

Để đại học tự chủ toàn diện -  Kỳ 3: Cần nhiều quy định rõ ràng hơn

TTO - Theo các chuyên gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) sắp có hiệu lực được đánh giá cởi mở hơn trong vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp