Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ tự học - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tác động của dân chủ và tự chủ trong quản lý đại học, PGS.TS PHAN THANH BÌNH - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng cần sớm có quy chế tổ chức hoạt động của ĐH Quốc gia TP.HCM và các đơn vị thành viên trong bối cảnh hiện nay.
Tôi đề nghị lãnh đạo Đảng ủy, giám đốc ĐH quốc gia và hội đồng đưa vào chương trình làm việc của hội đồng về rà soát và xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động tạm thời của ĐH Quốc gia TP.HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc trong khi chờ đợi ban hành quy chế từ Chính phủ. Quy chế này càng cấp thiết khi mô hình, vị trí và hoạt động của ĐH quốc gia đang được xã hội rất quan tâm, kỳ vọng, song song với việc Thủ tướng cho thành lập thêm đại học đa lĩnh vực trong thời gian gần đây.
PGS.TS Phan Thanh Bình
PGS.TS PHAN THANH BÌNH
* ĐH Quốc gia TP.HCM được quyền chủ động cao trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng hiện vẫn "kêu" thiếu tự chủ? Theo ông, vướng mắc nằm ở đâu?
- Khi nói về tự chủ đại học, vấn đề được đặt ra là cơ chế tự chủ và con người tự chủ. Cơ chế tự chủ bao gồm hệ thống điều hành và hội đồng quản trị, trong đó quy chế hoạt động đơn vị và hành lang pháp lý của đơn vị sẽ đảm bảo cho cơ chế được hoạt động đúng nguyên tắc và cân bằng giữa các mối quan hệ.
ĐH Quốc gia TP.HCM là một hệ thống trường đại học lớn, đã triển khai tự chủ cho 6/7 trường thành viên, đã có nhiều đơn vị trực thuộc tự chủ tài chính nên việc làm rõ quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống càng có ý nghĩa cấp thiết và quan trọng.
Nhưng đến nay Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (Luật 34) đã có hiệu lực trên 3 năm (từ ngày 1-7-2019), Chính phủ vẫn chưa ban hành quy chế hoạt động của ĐH Quốc gia TP.HCM theo luật định. Do vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đều hoạt động theo quy chế cũ khi chưa có các đơn vị tự chủ theo Luật 34.
* Phải chăng chính điều đó đã khiến các trường thành viên ĐH quốc gia chưa phát huy hết các năng lực và thật sự tự chủ như luật định?
- Theo quy chế hiện hành, từ ĐH quốc gia đến các trường thành viên đều không chính thức đặt rõ vai trò của các hội đồng, chưa quy định quy trình cả nội dung và hình thức các hoạt động nhằm bảo đảm tốt nhất để phát huy hiệu quả của hoạt động của hội đồng trường.
Trong khi hoạt động, phương thức sinh hoạt, tính chất của hội đồng là khác với phương thức, tính chất hoạt động của cơ quan quản lý điều hành. Hội đồng hoạt động theo thể chế đại nghị, trao đổi, thảo luận và ra nghị quyết chung để quản lý triển khai. Trong hội đồng, chủ tịch hội đồng không là thủ trưởng của hội đồng, mà là người điều phối để hội đồng thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình và ra một nghị quyết chất lượng.
Chỉ khi làm tốt việc này mới đảm bảo sự đúng đắn trong triển khai chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, các vị trí. Nếu chưa làm tốt điều này sẽ làm giảm giá trị, có thể nhìn nhận không đúng đắn về tự chủ đại học, giảm hiệu quả của tự chủ đại học. Và lâu dài tự chủ đại học có thể sẽ trở thành ngôn từ hình thức, thành xơ cứng, hành chánh, tập trung về quyền hạn và quyền lợi nhưng chưa thể hiện đúng, khó phát huy đầy đủ vai trò của các thành phần, cơ chế và trách nhiệm của một hệ thống đại học.
* Vậy làm thế nào để đảm bảo quyền tự chủ của các trường thành viên mà không mất đi vai trò của ĐH quốc gia?
- ĐH quốc gia phải có sự khác biệt với một trường đại học, từ quan niệm, tổ chức đến hoạt động, không chỉ là những phương thức và tư duy của một trường đại học. ĐH quốc gia được thành lập chưa đầy 30 năm nhưng những trường thành viên sáng lập có hơn gấp đôi tuổi ĐH quốc gia. \
Đặc biệt đây lại là một hệ thống các trường đại học lớn, đa lĩnh vực cùng phát triển trên cùng một địa bàn, cùng một campus thì việc thống nhất trong đa dạng là một nguyên tắc cần được quan tâm một cách sâu sắc.
Theo tôi, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có những giá trị chung, văn hóa chung, thể hiện ngay từ những môn học "lõi" riêng của ĐH quốc gia và điều này không làm nhạt giá trị, văn hóa của từng đơn vị thành viên.
Theo luật định, ĐH quốc gia không là một bộ hay một đơn vị quản lý hành chính, nhưng cũng không thể hoạt động và tư duy theo mô hình một trường đại học lớn. ĐH quốc gia chính là nơi tạo môi trường, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường thành viên phát triển. Các trường thành viên phải nhận thức và nhìn nhận rõ giá trị của hệ thống cũng như trách nhiệm của thành viên với hệ thống. Đây là một nội dung cần được quan tâm và phát triển dần theo thời gian nhằm hoàn thiện cơ chế và mô hình của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Về quy chế tổ chức, hoạt động các đơn vị và hội đồng cần sớm được hoàn thiện. Nội dung và hoạt động hội đồng ĐH quốc gia với hội đồng trường giống, khác, quan hệ với nhau thế nào. Tính chiến lược, quản trị và phương thức, quy trình hoạt động của hội đồng cần được nhận thức và triển khai một cách thực chất.
* Muốn xây dựng một đại học tự chủ cần điều kiện gì, thưa ông?
- Chỉ có tổ chức tự chủ trên nền của dân chủ mới có thể đào tạo ra những người trí thức tự chủ, nhận thức và tự nhận lãnh trách nhiệm của mình một cách tự giác, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh trước xã hội, đất nước. Đó chính là chức năng của trường đại học. Như vậy, muốn xây dựng một đại học tự chủ cần một năng lực tự chủ gồm giá trị chuyên môn, cơ chế tự chủ và con người tự chủ.
Chỉ khi chúng ta thực sự nhận thức đúng về tự chủ đại học và có đủ năng lực, phẩm chất để triển khai tự chủ đại học thì lúc đó đại học mới thật sự là đại học, trường đại học mới thực sự là trường đại học - nơi phát huy, đào tạo, triển khai trí tuệ và năng lực của người trí thức cho đất nước. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là một cơ quan hành chính, một trường cấp ba "phẩy" và chỉ có thể đào tạo ra người lao động chỉn chu, ngoan hiền cho xã hội nhưng chưa chắc là những người chủ của tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận