15/10/2013 06:57 GMT+7

Để cứu lấy những điều tốt đẹp

P.VŨ - H.ĐIỆP thực hiện
P.VŨ - H.ĐIỆP thực hiện

TT - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Ngoài nỗi tiếc thương, những ngày kỳ lạ với dòng người bất tận vừa qua ở góc phố Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ (Hà Nội) dường như đã và vẫn còn đang làm nên một cơn rung chấn trong nhân tâm người Việt.

W5dxIX0j.jpgPhóng to
Các bạn trẻ xếp hàng trên đường Hoàng Diệu chờ đến lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 6-10 - Ảnh: Nguyễn Khánh
CA23RMgP.jpg
Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: T.T.D.
“Chúng ta cần phải gợi nên một cuộc thảo luận về câu chuyện này”. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ với nỗi ưu thời mẫn thế trĩu nặng. “Đại tướng vĩ đại trong rất nhiều mặt, một trong những cái vĩ đại ấy là khi nằm xuống đã đánh thức được một cái gì tốt đẹp nhất trong con người.

Những ngày qua, mỗi khi bước vào dòng người bao quanh khu nhà 30 Hoàng Diệu, không riêng tôi mà ai ai cũng cảm thấy như mình đang được đi vào một thế giới khác, một xã hội khác: xã hội lý tưởng, thế giới khoan hòa, nhân ái, tự do, khí quyển thanh sạch. Ở đó, mỗi người như được gội rửa, nâng cao. Chỉ một vĩ nhân mới có thể làm được điều đó” - ông nói trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Những giá trị đẹp nhất vẫn còn đó

* Có thể thấy rõ có một sự thay đổi trong cách nhìn của một người làm văn hóa như ông...

- Vâng, đúng là chính tôi cũng thay đổi. Là người làm văn hóa, luôn ưu tư thời cuộc, cách đây không lâu hay mới chỉ đây thôi, tôi đã bi quan khi nhìn vào những cuộc xếp hàng dẫn đến xô xát khi mua bánh trung thu, những cuộc tranh cướp trong lễ hội hoa anh đào, những cuộc ẩu đả khi một công ty phát quà miễn phí... Những lúc ấy, tôi nghĩ đến những giá trị đẹp của Hà Nội, của người Việt và tưởng như nó đã mất rồi. Thật đau xót và lo lắng. Những ngày vừa rồi, tôi nhiều lần đến đường Hoàng Diệu để nhìn ngắm dòng người. Trong tôi có một sự thức tỉnh: hóa ra những giá trị đẹp nhất của văn hóa, của con người vẫn còn đó và nó đã lại nổi lên.

Tôi trao đổi với nhiều người, tìm đọc những tâm sự cá nhân trên mạng và nhận thấy rất nhiều người cùng nhận thấy điều đó, trong bản thân mình và trong những người xung quanh. Cơ hội này thật không dễ gì có được.

* Vâng, và khi có cơ hội thì phải nắm bắt lấy nó?

- Đúng vậy. Cần làm gì đó để bắt lấy cơ hội này, chấn hưng văn hóa. Nếu chỉ tập trung vào kinh tế mà những giá trị của con người bị băng hoại, chúng ta vẫn không tiến lên được mà còn lùi sâu nữa vào sự tan vỡ. Có nhiều người đã phải kêu lên: thời đại tốt đẹp và những con người tốt đẹp đang mất đi. Trong những hiện tượng bê bối, phản ứng bất cần của từng người, của đám đông trong xã hội có thể đọc thấy sự mất niềm tin, thất vọng, chán chường. Đó là những dấu hiệu cảnh báo. Và như người ta thường nói: để giữ lấy ánh sáng, phải đẩy lùi bóng tối.

Tìm cách nhân lên ánh sáng hướng thượng

* Ông đã lại lo lắng. Những hiện tượng xấu chúng ta đã thấy trong xã hội là tự phát và những ngày đẹp đẽ vừa qua ở đường Hoàng Diệu cũng là tự phát. Điều đó chưa đủ để đặt niềm tin?

- Sau mừng luôn luôn là lo. Nhìn vào dòng người, tôi nhìn thấy lại được những gì tốt đẹp nhất và hi vọng sẽ được thật sự hồi sinh. Rồi tôi lại suy nghĩ: liệu sau những ngày này cái đẹp ấy có lại lặn đi, chìm mất không giữa những bon chen cơm áo, lợi quyền, giữa những sự xuống cấp nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Chúng ta hãy nhớ lại lịch sử. Những thời kỳ tốt đẹp nhất của lịch sử đất nước, dù khi nào cũng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, chính là những khi cả nước chúng ta được sống trong không khí đầy ắp khát vọng, đầy ắp ánh sáng của sự hướng thượng.

Những ngày vừa rồi ánh sáng ấy đã bừng lên trong dòng người đứng xếp hàng ở quanh nhà Đại tướng và lấp lánh tỏa ra những người khác. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về điều đó và làm sao để giữ lấy nó, nhân nó lên. Những thời kỳ trước đây có lẽ mọi việc thuận hơn bây giờ. Thời điểm này đất nước đang phải đứng trước những thách thức rất khó khăn về tất cả mọi mặt, khách quan lẫn chủ quan, nội tại lẫn ngoại biên, nên để cứu lấy những cái tốt đẹp cần phải có sự chung lòng, chung sức rất lớn.

* Theo ông, cần phải làm thế nào?

- Tôi đang suy nghĩ, nhiều anh em làm văn hóa, xã hội của chúng tôi cũng đang suy nghĩ. Trước mắt có thể nên khơi một cuộc bàn luận về vấn đề này để mọi người cùng suy nghĩ, vừa tìm giải pháp, vừa nhân lên ánh sáng hướng thượng trong mỗi người. Tôi tin mỗi người sẽ có một cách để giữ gìn cái tốt đẹp trong bản thân mình vì nó vẫn đang ở đó.

* Ông Hoàng Tấn Anh (tức Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 tham chiến Điện Biên Phủ):

Nhân đức tướng Giáp làm quân thù cũng kính phục

Xã hội hiện nay đang nặng lòng về văn hóa xuống cấp, đạo đức suy thoái. Cuộc đời hành binh của tướng Giáp đáng để mọi người phải suy nghĩ lại mình. Là một sĩ quan dưới quyền chỉ huy của ông, tôi biết có trận đánh chưa chắc thắng, ông đã lệnh kéo pháo ra, tạm ngưng chiến dịch để bớt xương máu chiến sĩ.

Không chỉ lo sinh mạng, ông còn lo cả tấm áo mùa đông, miếng ăn, nước uống của chiến sĩ. Đối với hàng binh Pháp, ông cũng đối xử tử tế để họ cảm phục mà theo mình chứ không chỉ gieo vào lòng họ sự sợ hãi. Từng binh sĩ chúng tôi cũng được ông truyền dạy cách hành chiến nhân nghĩa. Xã hội nhiều mối ngổn ngang thời nay nên xem lại bài học này của ông. Con người sống có nhân nghĩa sẽ có tất cả điều tốt đẹp...

P.VŨ - H.ĐIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp