Chiều 11-12, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm.
Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước.
Cà Mau có nhiều loại hình nuôi như: nuôi tôm siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng...
Ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi nhiều năm liền dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện tại, sản lượng tôm nuôi Cà Mau ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỉ USD.
"Tuy đạt nhiều kết quả nhưng trong khoảng 10 năm nay, nhiều người nuôi tôm đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, không vay được vốn, không có vốn nên người nuôi tôm phải mua nợ thức ăn cho tôm lên đến 35.000 đồng/kg, trong khi nếu mua tiền mặt chỉ khoảng 26.000 đồng/kg", ông Lê Văn Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú - nêu dẫn chứng.
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết quy hoạch phát triển ngành tôm ở Cà Mau còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý…
Ông Sử cũng nhìn nhận rằng do cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao nên khả năng cạnh tranh của tôm còn thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.
"Tôi mong rằng qua hội nghị lần này, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng nhau tháo gỡ những khó khăn ngành tôm đang gặp phải", ông Sử nói.
Kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đề nghị ngành chức năng và các doanh nghiệp cần đưa các giải pháp đã nêu ra tại hội thảo để phát triển nghề tôm bền vững, phải đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh.
Ngành tôm hiện nay đang đứng trước khó khăn rất lớn, nên cần nhiều mô hình nuôi hay và đừng nói, hô hào nữa, hãy đưa vào sản xuất mô hình hiệu quả và nhân rộng để con tôm Việt Nam cạnh tranh được với tôm nước ngoài.
"Giao Cục Thủy sản tổng hợp lại Nhà nước phải làm gì, địa phương phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì, nông dân phải làm gì thì mới hiệu quả được. Tạo dựng bước ngoặt mới để đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm", ông Tiến đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận