Mấy ngày qua bên tách cà phê sáng của nhiều 'hai lúa' vùng sông nước miền Tây luôn rôm rả câu chuyện giá tôm, giá gạo tăng cao rồi chuyện doanh nghiệp xuất khẩu trúng đậm hàng triệu đôla nhờ xuất khẩu hai mặt hàng này...
Bà con nông dân khấp khởi như vậy cũng phải, vì lâu nay con tôm, hạt gạo của nông dân vùng đất này luôn lao đao với điệp khúc "được mùa mất giá", hiếm khi thuận lợi, trúng đậm giá cao ngất ngưởng nhất nhì thế giới như bây giờ.
Và ngay trong lúc dịch bệnh COVID-19 nhưng hàng ngàn công nhân các nhà máy chế biến tôm vẫn miệt mài tăng ca, để kịp cho lô hàng xuất khẩu mới ngay trong tháng 8 này.
Trò chuyện với báo giới, ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, một trong 3 tỉnh có sản lượng tôm lớn nhất miền Tây - nói rằng ông cũng như nhiều lãnh đạo trong vùng rất vui. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều sản phẩm lao đao nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam 7 tháng đầu năm vẫn thắng lớn với giá trị khoảng 2 tỉ USD.
Riêng Sóc Trăng tăng trưởng khá mạnh, đạt kim ngạch xuất đến 409 triệu USD, trong đó có doanh nghiệp tăng đến 40% như Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng.
Không chỉ xuất khẩu tôm mà cả hạt điều và mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam cũng vượt khó thành công trong những tháng đầu năm 2020, giữa bão bùng, dịch bệnh. Lý giải cho thành công trên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng có được kết quả ấn tượng trên đầu tiên là nhờ Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.
Kế đến, phải nói các nhà máy chế biến thủy sản đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị hiện đại; có thương hiệu, xây dựng được chuỗi giá trị, tạo niềm tin cho khách hàng nên khi thị trường có biến động vẫn có chỗ đứng vững vàng.
Trong bối cảnh các cường quốc nuôi, xuất khẩu tôm trên thế giới đang đối phó với dịch bệnh đã tạo cơ hội cho ngành tôm Việt Nam tăng trưởng tốt vào những tháng cuối năm. Đặc biệt con tôm, hạt gạo thơm, trong đó có gạo ngon nhất thế giới ST25 đang rộng cửa vào thị trường châu Âu.
Tuy nhiên để con tôm, hạt gạo và nhiều loại nông sản khác tiếp tục vươn xa, đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, ngoài sự vào cuộc phòng chống dịch quyết liệt của Chính phủ chưa đủ mà tinh thần ấy phải được thẩm thấu, đồng lòng của mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuyệt đối doanh nghiệp Việt không được thỏa mãn "ngủ quên trên men say chiến thắng" mà phải tận dụng tốt cơ hội này phát triển ngành hàng. Từ đó nâng cao uy tín, tái cấu trúc chuỗi sản xuất khắt khe từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nhằm có nguồn hàng chất lượng cao, giữ chữ tín với khách hàng quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh, doanh nghiệp cần phải có sự chuyển đổi thích nghi, tăng cường liên kết chặt chẽ hỗ trợ nông dân, để cùng nhau vượt qua thử thách dịch bệnh.
Hi vọng, nay mai không chỉ có con tôm, hạt gạo miền Tây mà sẽ có thêm nhiều sản phẩm của nhiều địa phương khác trong cả nước cũng vươn xa. Doanh nghiệp Việt sẽ thực hiện được mục tiêu kép "chống dịch nhưng không trì trệ kinh tế" mà Thủ tướng kỳ vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận