01/05/2022 07:17 GMT+7

Để có thêm nhiều LEGO đến Việt Nam

LAN HƯƠNG
LAN HƯƠNG

TTO - Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em LEGO của Đan Mạch nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương vào tháng 3-2022.

Để có thêm nhiều LEGO đến Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Niels Christiansen, CEO LEGO của Đan Mạch, bên lề Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh ngày 1-11-2021 - Ảnh: VGP

Chúng tôi đã xem xét một số quốc gia khác ở châu Á, nhưng (chọn Việt Nam) vì ấn tượng về môi trường kinh tế chính trị ổn định của Việt Nam và cam kết hỗ trợ đầu tư nước ngoài có chất lượng, tạo cơ hội đầu tư bền vững.

Ông Preben Elnef, phó chủ tịch Tập đoàn LEGO.

Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em LEGO của Đan Mạch nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương vào tháng 3-2022. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, đồng thời đánh dấu “mốc xanh” trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam đưa ra tại COP26 sẽ sớm trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế khi Việt Nam dần chuyển đổi sang nền kinh tế chất lượng cao.

Chuẩn bị từ 2 năm trước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen cho biết quá trình chuẩn bị để “dọn đường” cho LEGO xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) bắt đầu từ 2 năm trước.

Thực tế để đưa dự án này đến Việt Nam, một loạt cuộc gặp giữa giới chức Đan Mạch với các cơ quan tại Việt Nam đã diễn ra ngay từ rất sớm và rất thành công.

Theo lời kể của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, để dẫn đến ký kết nhà máy LEGO 1 tỉ USD tại Bình Dương, đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã gặp tất cả các bộ ngành, gặp đại sứ ta tại Đan Mạch và gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Đại sứ Christensen kể ban đầu LEGO đã xét đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam để chọn lựa địa điểm phù hợp cho nhà máy. Trong quá trình đánh giá kỹ lưỡng liên quan đến nhiều yếu tố như địa điểm, vị trí, lực lượng lao động, nguồn cung vật liệu, cơ sở hạ tầng, hay Luật bảo vệ trí tuệ…, Việt Nam đã nổi lên như một ứng viên đáng tin cậy.

Lý giải về quyết định đặt nhà máy thứ 2 của LEGO ở châu Á tại Việt Nam, ông Christensen cho rằng đây là quyết định đầu tư chiến lược mang tính rất quan trọng.

“Nhà máy LEGO đặt tại Việt Nam là một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của tập đoàn nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Christensen nói. Đồng thời tiết lộ: “Dự án này đã nhận được sự ủng hộ chính trị rất lớn từ các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quyết định để LEGO chọn Việt Nam”.

Và những nỗ lực ngoại giao giữa hai nước đã mang đến quả ngọt. Ngày 17-9-2021, đại sứ Đan Mạch thông báo với Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh về việc LEGO đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư nhà máy mới tại Đông Nam Á và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Ông Phạm Bình Minh lúc đó khẳng định sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án này. Chưa đến nửa tháng sau đó, cuộc hội đàm giữa ông Phạm Bình Minh và ông Carsten Rasmussen - tổng giám đốc vận hành của Tập đoàn LEGO - đã diễn ra tốt đẹp.

Để thúc đẩy dự án, nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Anh, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp trực tiếp ông Niels Christiansen - tổng giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO của Đan Mạch - vào ngày 1-11-2021 tại Glassgow, Scotland.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị LEGO phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên và có hiệu quả cao.

Và chỉ hơn một tháng sau, ngày 8-12, Tập đoàn LEGO đã có buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam.

Tại buổi ký kết, ông Carsten Rasmussen chia sẻ những kế hoạch của Chính phủ về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy.

Để có thêm nhiều LEGO đến Việt Nam - Ảnh 3.

Mô hình nhà máy LEGO tại Bình Dương trong tương lai

Việt Nam thu hút đầu tư xanh

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Preben Elnef - phó chủ tịch Tập đoàn LEGO - cho biết môi trường kinh tế chính trị ổn định và cam kết hỗ trợ đầu tư nước ngoài có chất lượng, tạo cơ hội đầu tư bền vững của Việt Nam là điểm ấn tượng với LEGO.

Ngoài ra, theo ông Elnef, việc Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ đầu tư sản xuất chất lượng cao trên toàn cầu, tập trung vào năng lượng tái tạo cũng là điểm tạo sự thu hút.

Một trong những điểm đặc biệt của nhà máy mới của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon và quá trình xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn vàng của LEED (Định hướng thiết kế về môi trường và năng lượng). Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao để bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.

Theo kế hoạch, nhà máy mới của LEGO sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Từ đó mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hằng năm của nhà máy.

Nhà máy cũng thiết kế để vận hành các loại xe điện và được trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng. Tập đoàn LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.

Gần đây Việt Nam thường được nhắc đến với các cam kết tham vọng để trở thành một quốc gia phát thải ròng bằng 0 và đón nhiều chuyến thăm gồm Chủ tịch COP26 Alok Sharma hay Đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry.

Việt Nam dường như đang trở nên ngày càng hấp dẫn về khía cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá về điều này, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có chung nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các đối tác quốc tế, nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm giảm khí thải carbon và sự tích cực đối phó với biến đổi khí hậu.

Bà Carolyn Turk - giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - tin tưởng rằng đây là cơ hội để Việt Nam có thể vượt lên phía trước.

Cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu nhưng đây cũng là một bước đi thông minh của Việt Nam, bởi những thị trường xuất khẩu lớn đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam. Bà Turk nhận định nhà máy LEGO là một ví dụ.

Bà cũng dự báo xu hướng tới đây, nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển gắn liền với vấn đề về khí thải ở những nước sản xuất. Họ sẽ quan tâm về quần áo họ mặc, thiết bị điện tử sử dụng hay sản phẩm ăn uống có được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường hay không. Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần của sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trong khi đó, Đại sứ Kim Højlund Christensen tin rằng cam kết của Việt Nam nhằm trở thành nước phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã gửi đi một thông điệp quan trọng và mạnh mẽ về định hướng của đất nước trong việc phát triển xanh và phát thải carbon thấp.

Điều này có thể sớm trở thành động lực mới trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó giúp thúc đẩy tính cạnh tranh và xuất khẩu.

Ngoài ra, theo ông, về khía cạnh kinh doanh và đầu tư, các khoản thuế về carbon sẽ có thể sớm là một phần trong hoạt động thương mại toàn cầu, và việc thu hút FDI sẽ ngày càng phụ thuộc vào hệ thống sản xuất phát thải carbon thấp.

“Việc gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm FDI từ các công ty toàn cầu, vốn ngày càng quan tâm tới các chuỗi cung ứng xanh, hay sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, và cả cam kết của chính họ nhằm làm giảm phát thải carbon. Do đó, việc hướng tới mục tiêu xanh là quyết định đúng đắn cho Việt Nam”, ông Christensen đánh giá.

Để có thêm nhiều LEGO đến Việt Nam - Ảnh 4.

Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen

Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư Đan Mạch

Đại sứ Kim Højlund Christensen cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Đan Mạch và đó là điều không có gì phải nghi ngờ vì Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một quốc gia giữ vai trò chiến lược hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Đại sứ quán Đan Mạch đang hỗ trợ một số công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đáng quan tâm là tất cả các dự án đều có sự ưu tiên lớn trong việc vận hành xanh và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Ví dụ chúng tôi đang làm việc với Copenhagen Infrastructure Partners với kế hoạch đầu tư dự án điện gió La Gàn ngoài khơi với công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên tới 10,5 tỉ USD ở Bình Thuận. Dự án sẽ giúp tạo ra điện năng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm, và giúp Việt Nam giảm phát thải 130 triệu tấn CO2 trong suốt vòng đời của dự án”, ông nói.

Năm ngoái Tập đoàn điện gió Orsted và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm tới Bỉ. Liên danh sẽ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều địa điểm tại Việt Nam.

LEGO tuyển 4.000 nhân sự cho nhà máy ở Việt Nam

Tập đoàn LEGO được Ole Kirk Kristiansen thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932. Hệ thống trò chơi của LEGO, với nền tảng là những viên gạch LEGO, cho phép người chơi thiết kế và xây dựng bất kỳ những gì mà họ có thể tưởng tượng. Sản phẩm của LEGO hiện được bán tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhà máy LEGO tại Việt Nam là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của LEGO và cũng là lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3-2022, Tập đoàn LEGO dự kiến sẽ triển khai dự án vào nửa cuối năm nay và nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Với nhà máy ở Việt Nam, LEGO dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỉ USD trong vòng 15 năm tới vào máy móc, nhà xưởng, và sẽ tuyển dụng gần 4.000 nhân công với trình độ từ trung cấp tới cao cấp cho tới năm 2040. Nhà máy này sẽ đóng góp vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, do phần lớn sản phẩm tại đây sẽ nhằm mục đích xuất khẩu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Minh hoa-1

VSIP 3 vừa khởi công, LEGO đăng ký xây nhà máy trị giá 1 tỉ USD VSIP 3 vừa khởi công, LEGO đăng ký xây nhà máy trị giá 1 tỉ USD

TTO - Ngày 19-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3).

LAN HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp