28/05/2020 09:09 GMT+7

Để có cây phượng vĩ vừa an toàn vừa đẹp trong sân trường

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - TS La Vĩnh Hải Hà - phó trưởng khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết theo tiêu chuẩn cây xanh Việt Nam, phượng vĩ thuộc nhóm 7, thuộc nhóm cây dễ gãy đổ và dễ bị sâu bệnh.

Để có cây phượng vĩ vừa an toàn vừa đẹp trong sân trường - Ảnh 1.

Cây xanh trong trường học cần được chăm sóc thường xuyên - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bị bật gốc thấy có nhiều sâu bệnh.

Chăm sóc cây thường xuyên

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng: "Hình ảnh cây phượng vĩ gắn liền với tuổi học trò. Cây này có giá trị về mặt văn hóa và tinh thần rất lớn. Do vậy, theo tôi, nếu các trường học trồng phượng cũng được nhưng cần phải có sự kiểm soát, chăm sóc nghiêm ngặt".

Cũng theo ông Hà, việc chăm sóc cây phải được thực hiện thường xuyên. Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây. Đồng thời được các chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra sao từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.

Các chuyên gia có thể đánh giá được tình trạng cây có thể chữa trị được hay không. Nếu cây vẫn còn tốt, có thể gia cố bằng cách đặt những cây sắt chống dựng để cây khỏi ngã đổ. Trường hợp cây quá nhiều sâu bệnh hoặc mục rỗng thì bắt buộc phải đốn hạ và trồng cây khác thay thế.

TS Hà cũng cho biết thêm thực tế hiện nay đang có rất nhiều trường học khắp các tỉnh thành cả nước trồng cây phượng vĩ. Những cây phượng với tầm mức vừa phải, nếu được chăm sóc tốt vẫn khá an toàn và rất đẹp.

Không gian sinh trưởng vô cùng quan trọng

Đối với cây xanh, không gian sinh trưởng vô cùng quan trọng. Không chỉ cây phượng, mà nhiều loại cây khi trồng ở đô thị, trên đường phố thường bị bó hẹp không gian sinh trưởng. Cây trồng trong đô thị bị ảnh hưởng nhiều yếu tố bởi cơ sở hạ tầng tác động: đường ống nước, đường điện, các loại cáp và bêtông hóa… nên hệ rễ của cây không đủ sức để bám, chống chịu.

"Đặc biệt, với cây phượng là rễ bàn, rễ chùm, không phải rễ cọc nên không đâm sâu xuống đất được. Do vậy, nếu gặp điều kiện bất lợi cây sẽ bật gốc hoặc gãy đổ. Trong khi cũng cây phượng nhưng trồng ở vùng nông thôn sẽ ít bị tình trạng này hơn" - ông Hà cho hay.

Theo quy định tại nghị định số 64/2010 (về quản lý cây xanh đô thị), cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng được xem là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị.

Nghị định này cũng quy định về cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị: các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Tìm hiểu kỹ quy định trồng cây

"Từng địa phương cũng có quy định riêng về những loại cây hạn chế trồng hoặc cấm trồng, cụ thể như những cây tiết ra chất độc, cây có gai nguy hiểm, cây có cành nhánh xòe tán sà xuống quá thấp hoặc cây có quả ăn được dễ leo trèo lên hái gây nguy hiểm… Các trường học cần tìm hiểu kỹ quy định về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ và của địa phương để chọn cây trồng phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc chăm sóc cây" - ông Hà nhấn mạnh.

Cây xanh trong trường học: Xin ai khi cắt tỉa, đốn hạ cây? Cây xanh trong trường học: Xin ai khi cắt tỉa, đốn hạ cây?

TTO - Cây xanh trong trường học, bệnh viện là tài sản của trường học, bệnh viện nên lãnh đạo các nơi này sẽ tự quyền quyết định việc đốn cây, nhưng phải thông qua Sở Xây dựng.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp