Tất nhiên không phải phim nào cũng hay, đạt chất lượng nhưng khi tiếp nhận một bộ phim mới, được đầu tư lớn và chăm chút như trường hợp của Đất rừng phương Nam, tôi nghĩ chúng ta nên có cái nhìn độ lượng và rộng mở để phim ảnh có cơ hội được "thở" và phát triển.
Ở nước ta hiện nay, phần lớn là điện ảnh tư nhân, đa số là các công ty ở phía Nam. Điện ảnh nhà nước chỉ có thể đầu tư trọng điểm một vài bộ phim.
Để một bộ phim ra đời, thu hồi vốn để có thể tái đầu tư sản xuất là điều các nhà sản xuất nghĩ đến, đặt lên đầu tiên. Nhưng có một thực tế là sự thành bại của doanh thu trong nhiều trường hợp có thể không do nhà sản xuất quyết định.
Có nhà làm phim từng tâm sự với tôi rằng có những phim của họ mới phát hành đã bị một người nào đó hoặc một trang tin nào đó chê tơi tả khi mổ xẻ những tiểu tiết, từ đó nâng cao quan điểm và đẩy câu chuyện đi quá xa.
Khen hay chê là chuyện hết sức bình thường. Nếu một bộ phim chỉ có toàn khen hoặc toàn chê mới là lạ, là không bình thường. Tuy nhiên, với những phim bị chê, nếu nhà làm phim thấy góp ý đó đúng, họ cần cầu thị tiếp thu và rút kinh nghiệm.
Ngược lại, xem những lời chê đó như những ý kiến trái chiều. Thực tế đôi khi xác định ranh giới giữa góp ý mang tính xây dựng và theo thiển ý "bới lông tìm vết" không hề dễ dàng.
Có không ít những thực tế phũ phàng bên ngoài chuyện làm phim đã làm nản lòng những nhà đầu tư, những người làm phim trên con đường mà đúng ra cần sự góp ý nghiêm túc, khắt khe song cũng cởi mở, vun đắp để điện ảnh phát triển hơn.
Điện ảnh Việt Nam đang đối diện và phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Để làm một bộ phim phải chi vài chục tỉ đồng, nhưng thu hồi vốn không dễ dàng. Những người làm phim giống như đánh một canh bạc, phim ra mắt đúng thời điểm thuận lợi, được quảng bá tốt và được khán giả quan tâm thì được doanh thu tốt.
Ngược lại cũng đầy những phim hẩm hiu chỉ thu được một vài tỉ đồng, không bù lại được tiền quảng cáo.
Vai trò của khán giả rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, đến sự thành bại hoặc phần nào đó quyết định đến sự hay - dở của một bộ phim trên bình diện truyền thông.
Tuy nhiên, chúng ta lại có nhiều khán giả khác nhau, cùng một tác phẩm nhưng có người khen nức nở, có người chê không thương tiếc, thậm chí bôi nhọ, "đánh" tơi tả bộ phim.
Chúng ta nên có cái nhìn ưu ái, rộng mở hơn với điện ảnh Việt Nam vốn cần có thêm nhiều phim, nhiều nhà sản xuất, nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp, trình độ, nghiêm túc và mong mỏi phim ảnh nước nhà phát triển hơn và có thêm dấu ấn trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Điện ảnh vốn dĩ cần sự sáng tạo và cởi mở với cả người làm phim lẫn khán giả, sự đúng - sai hoặc hay - dở phụ thuộc nhiều vào sự cảm nhận.
Sự nghiêm túc, tay nghề cao và sự cầu thị của nhà làm phim cùng với sự đánh giá khắt khe nhưng cởi mở của khán giả sẽ góp phần tạo ra một nền điện ảnh lành mạnh, đổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận